Luật quản lý sử dụng tài sản công 2016

Luật quản lý sử dụng tài sản công 2016

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: /2016/QH14

 

DỰ THẢO

 

 

LUẬT

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; 

Quốc hội ban hành Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Chương I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của đối tượng được giao quản lý tài sản công, đối tượng được giao sử dụng tài sản công.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài sản công.

2. Đối tượng được giao quản lý tài sản công.

3. Đối tượng được giao sử dụng tài sản công. 

4. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Tài sản công bao gồm đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, thềm lục địa, tài nguyên thiên nhiên khác; tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia; tài sản dự trữ nhà nước; tài sản tại cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

2. Tài chính tài sản công là các khoản thu, chi ngân sách nhà nước trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản công và cơ chế khai thác nguồn lực từ tài sản công để phát triển kinh tế - xã hội.

3. Trụ sở làm việc bao gồm khuôn viên đất, nhà làm việc và các tài sản khác gắn liền với đất phục vụ hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

4. Cơ sở hoạt động sự nghiệp bao gồm khuôn viên đất, nhà làm việc và công trình sự nghiệp và các tài sản khác gắn liền với đất phục vụ hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của đơn vị sự nghiệp công lập.

5. Tài sản chuyên dùng là những tài sản có cấu tạo, công năng sử dụng đặc thù được sử dụng trong một số ngành, lĩnh vực nhất định. 

6. Phân cấp quản lý tài sản công là việc xác định phạm vi, nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý tài sản công phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội và phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

7. Kế hoạch quản lý, sử dụng tài sản công là kế hoạch phát triển, bảo vệ, sử dụng, khai thác tài sản công được lập trong thời hạn 5 năm cùng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài chính 5 năm. Kế hoạch quản lý, sử dụng tài sản công 5 năm xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về tài sản công; các định hướng lớn về phát triển, bảo vệ, sử dụng, khai thác tài sản công; số thu từ khai thác tài sản công, số chi để phát triển tài sản công; các giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch.

8. Mua sắm tập trung là phương thức mua sắm tài sản công, theo đó, đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng hoặc ký văn bản thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn làm cơ sở để các đối tượng có nhu cầu mua sắm trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp tài sản.

9. Mua sắm hợp nhất là phương thức mua sắm tài sản công, theo đó, nhiều đối tượng có nhu cầu mua sắm tài sản cùng loại thống nhất hợp thành một gói thầu và giao cho một đầu mối tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản. 

10. Thuê mua tài sản là phương thức thuê tài sản của tổ chức, cá nhân sau một thời gian quy định người thuê được công nhận quyền sở hữu đối với tài sản đó. 

11. Đàm phán giá là hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản thông qua việc đàm phán trực tiếp về giá mua tài sản.

12. Thu hồi tài sản công là việc cấp có thẩm quyền quyết định thu lại tài sản công của đối tượng được giao quản lý, đối tượng được giao sử dụng tài sản công.

13. Bán, chuyển nhượng tài sản công là việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản công cho tổ chức, cá nhân để nhận khoản tiền tương ứng. 

14. Bán đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản công công khai, có nhiều người tham gia, theo phương thức trả giá lên.

15. Bán trực tiếp tài sản là hình thức bán tài sản công trực tiếp cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu thông qua việc niêm yết giá hoặc chỉ định người mua tài sản.

16. Chuyển nhượng có thời hạn tài sản công là việc chuyển giao quyền đầu tư, quyền sử dụng, quyền khai thác tài sản công cho tổ chức, cá nhân thông qua hợp đồng chuyển nhượng để nhận khoản tiền tương ứng. 

17. Cho thuê tài sản công là việc chuyển giao có thời hạn quyền sử dụng, quyền khai thác tài sản công cho tổ chức, cá nhân để nhận khoản tiền tương ứng.

18. Tiêu huỷ tài sản công là việc xóa bỏ sự tồn tại của tài sản công.

19. Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân nhưng do vi phạm pháp luật mà bị tịch thu theo bản án, quyết định của toà án hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền khác.

20. Hệ thống thông tin tài sản công là hệ thống tổng hợp các yếu tố hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, dữ liệu và quy trình, thủ tục được xây dựng để thu thập, lưu trữ, cập nhật, xử lý, phân tích, tổng hợp và truy xuất thông tin về tài sản công. 

21. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công là tập hợp các dữ liệu về tài sản công được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử.

Điều 4. Sở hữu tài sản công

1. Tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. 

2. Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng tài sản công theo quy định của Luật này.

3. Đối tượng được giao quản lý, đối tượng được giao sử dụng tài sản công có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Điều 5. Phân loại tài sản công

Tài sản công được phân loại như sau:

1. Theo nguồn gốc hình thành:

a) Tài sản công do Nhà nước đầu tư là những tài sản được hình thành thông qua việc đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê mua tài sản bằng tiền ngân sách nhà nước và có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước;

b) Tài sản công do Nhà nước quản lý là những tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật;

c) Tài nguyên thiên nhiên là những tài sản có sẵn trong tự nhiên thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

2. Theo đối tượng, mục đích sử dụng:

a) Tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị);

b) Tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia (gọi chung là tài sản kết cấu hạ tầng);

c) Tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước;

d) Tài sản công tại các doanh nghiệp nhà nước;

đ) Tài sản công tại cơ quan dự trữ nhà nước;

e) Tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; 

g) Đất đai;

h) Tài nguyên thiên nhiên.

3. Theo hình thái biểu hiện của tài sản:

a) Tài sản hữu hình;

b) Tài sản vô hình.

Điều 6. Chính sách quản lý, sử dụng tài sản công

Nhà nước có chính sách đầu tư phát triển, khai thác và bảo vệ tài sản công; thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, sử dụng tài sản công.

Điều 7. Khuyến khích đầu tư, khai thác tài sản công

Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện:

1. Đầu tư vốn, khoa học công nghệ phát triển tài sản công;

2. Nhận chuyển giao quyền đầu tư, khai thác hoặc thuê quyền khai thác tài sản công.

Điều 8. Đối tượng sử dụng tài sản công

1. Cơ quan nhà nước.

2. Đơn vị vũ trang nhân dân.

3. Đơn vị sự nghiệp công lập. 

4. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

5. Tổ chức kinh tế, bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật về dân sự.

6. Hộ gia đình, cá nhân.

7. Cộng đồng dân cư.

Điều 9. Nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công

1. Mọi tài sản công đều được Nhà nước giao cho đối tượng quản lý, đối tượng sử dụng.

2. Quản lý nhà nước về tài sản công được thực hiện thống nhất, có phân công, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước.

3. Tài sản công phải được bảo vệ, phát triển theo quy hoạch, kế hoạch.

4. Nguồn lực tài sản công phải được khai thác hợp lý, có hiệu quả.

5. Việc sử dụng, khai thác tài sản công phải đúng mục đích được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường; những tài sản trong quá trình sử dụng có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, địch họa và nguyên nhân bất khả kháng khác gây ra được mua bảo hiểm. 

6. Tài sản công phải được kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật.

7. Việc quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

8. Đối tượng được giao quản lý, đối tượng được giao sử dụng tài sản công thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Điều 10. Kế hoạch quản lý, sử dụng tài sản công

1. Kế hoạch quản lý, sử dụng tài sản công được sử dụng để:

a) Định hướng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, lĩnh vực và địa phương; cân đối, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính công và ngân sách nhà nước trong trung hạn; thúc đẩy việc công khai, minh bạch tài sản công;

b) Làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn;

c) Làm cơ sở cho công tác lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm liên quan đến các khoản thu, chi về tài sản công.

2. Kế hoạch quản lý, sử dụng tài sản công được lập ở cấp quốc gia và cấp địa phương.

3. Nội dung của Kế hoạch quản lý, sử dụng tài sản công bao gồm:

a) Mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về quản lý, sử dụng tài sản công; 

b) Các định hướng lớn về phát triển, bảo vệ, sử dụng, khai thác tài sản công; 

c) Số thu từ khai thác tài sản công, số chi để duy trì, phát triển tài sản công; 

d) Các giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch.

4. Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng tài sản công cấp quốc gia trình Chính phủ xem xét, quyết định vào năm đầu kỳ kế hoạch.

Cơ quan tài chính các cấp ở địa phương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng tài sản công của cấp mình trình Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định vào năm đầu kỳ kế hoạch.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 11. Công khai tài sản công

1. Nội dung công khai tài sản công:

a) Văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, thủ tục hành chính về tài sản công;

b) Tình hình thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công;

c) Danh sách các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ về tài sản công.

2. Việc công khai tài sản công phải được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác thông qua các hình thức sau:

a) Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử;

b) Niêm yết công khai;

c) Công bố tại các kỳ họp;

d) Các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan quản lý nhà nước, đối tượng được giao quản lý tài sản công, đối tượng được giao sử dụng tài sản công có trách nhiệm thực hiện công khai tài sản công đầy đủ, đúng hạn theo quy định; trường hợp không thực hiện công khai đầy đủ, đúng hạn thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 12. Giám sát của cộng đồng đối với tài sản công

1. Việc quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát bởi cộng đồng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức việc giám sát tài sản công của cộng đồng. 

2. Nội dung giám sát bao gồm:

a) Việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

b) Tình hình quản lý, sử dụng tài sản công; 

c) Việc thực hiện công khai tài sản công theo quy định tại Điều 11 Luật này.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 13. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản công dưới mọi hình thức.

2. Cố ý làm trái các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

3. Sử dụng tài sản công không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; sử dụng tài sản công lãng phí hoặc không sử dụng tài sản được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật.

4. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công; chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản công.

5. Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về tài sản công.

6. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài sản công.

7. Không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin về tài sản công theo quy định của pháp luật.

Chương II.

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI SẢN CÔNG

Điều 14. Nội dung quản lý nhà nước về tài sản công

1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài sản công.

2. Giao tài sản; đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, khoán kinh phí sử dụng tài sản; xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản.

3. Quản lý việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, thế chấp, cho thuê, liên doanh, liên kết; bán, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản công và các hình thức khai thác khác. 

4. Thu hồi, bán, chuyển nhượng, thanh lý, tiêu hủy, ghi giảm tài sản công.

5. Quản lý việc chuyển đổi công năng sử dụng tài sản công.

6. Quản lý việc định giá tài sản công. 

7. Kiểm kê, báo cáo tài sản công. 

8. Xây dựng, vận hành hệ thống thông tin quốc gia về tài sản công.

9. Quản lý tài chính tài sản công.

10. Hợp tác quốc tế về tài sản công.

11. Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của đối tượng được giao quản lý tài sản công, đối tượng được giao sử dụng tài sản công.

12. Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành pháp luật về tài sản công và xử lý vi phạm pháp luật về tài sản công.

13. Giải quyết tranh chấp về tài sản công; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, sử dụng tài sản công.

14. Quản lý hoạt động dịch vụ về tài sản công.

Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội

1. Làm luật và sửa đổi luật trong lĩnh vực tài sản công.

2. Quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế liên quan đến tài sản công.

3. Quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để hình thành tài sản công. 

4. Thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công trong phạm vi cả nước.

5. Bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tài sản công trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội.

Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

1. Ban hành văn bản pháp luật về lĩnh vực tài sản công được Quốc hội giao.

2. Cho ý kiến về các dự án luật, các báo cáo và các dự án khác về lĩnh vực tài sản công do Chính phủ trình Quốc hội.

3. Cho ý kiến về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công là trụ sở làm việc, xe ô tô do Chính phủ trình.

4. Giám sát việc thi hành pháp luật về tài sản công, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tài sản công.

5. Đình chỉ việc thi hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tài sản công trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc huỷ bỏ các văn bản đó.

6. Bãi bỏ các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tài sản công trái với pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

7. Bãi bỏ các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) về tài sản công trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh và nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước

1. Thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công và các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.

2. Báo cáo kết quả kiểm toán với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ

1. Nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội các dự án luật, pháp lệnh về lĩnh vực tài sản công; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài sản công theo thẩm quyền;

b) Thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với tài sản công. Thống nhất quản lý tài sản công trong phạm vi cả nước, bảo đảm sự phối hợp giữa cơ quan quản lý ngành và địa phương trong việc thực hiện quản lý tài sản công;

c) Phân cấp quản lý tài sản công giữa trung ương và địa phương; phân cấp thẩm quyền giao tài sản, mua sắm, thuê, thuê mua, thu hồi, điều chuyển, bán, chuyển nhượng, thanh lý, tiêu hủy tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý; phân cấp thẩm quyền quyết định đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng; 

d) Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với tài sản công là trụ sở làm việc, xe ô tô sau khi có ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

đ) Quyết định kế hoạch quản lý, sử dụng tài sản công cấp quốc gia;

e) Hằng năm, báo cáo Quốc hội tình hình quản lý, sử dụng tài sản công của cả nước.

2. Trách nhiệm:

Chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Điều 19. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ

1. Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng các loại tài sản công quan trọng, có giá trị lớn, được sử dụng phổ biến tại các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, trừ trụ sở làm việc và xe ô tô. 

2. Giải trình hoặc phân công Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giải trình theo yêu cầu của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội về tài sản công thuộc lĩnh vực phụ trách.

3. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác được quy định tại Luật này và phân cấp của Chính phủ.

Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về tài sản công.

2. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về tài sản công sau đây:

a) Chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản công tại doanh nghiệp nhà nước, tài sản công tại cơ quan dự trữ nhà nước, tài sản kết cấu hạ tầng; 

b) Chế độ quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước;

c) Chế độ quản lý tài chính đối với đất đai, tài nguyên thiên nhiên.

3. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

4. Xây dựng, trình Chính phủ quyết định kế hoạch quản lý, sử dụng tài sản công cấp quốc gia.

5. Hằng năm, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội tình hình quản lý, sử dụng tài sản công của cả nước.

6. Thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu tài sản công theo phân cấp của Chính phủ; tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định tại khoản 2 Điều này; công khai tài sản công theo quy định tại Điều 10 của Luật này.

7. Kiểm tra các văn bản quy định về tài sản công do các bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp ban hành; trường hợp quy định trong các văn bản đó trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

8. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tài sản công, xử lý các hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.

9. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác được quy định tại Luật này và phân cấp của Chính phủ.

Điều 21. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây gọi là Bộ, cơ quan trung ương) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giúp Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về tài sản công thuộc phạm vi quản lý.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trong việc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực quản lý.

3. Thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo phân cấp của Chính phủ.

4. Hàng năm, gửi Bộ Tài chính báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý.

5. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tài sản công, xử lý các hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

6. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác được quy định tại Luật này và phân cấp của Chính phủ.

Điều 22. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Căn cứ quy định của Luật này, phân cấp của Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Quyết định chủ trương, biện pháp quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương;

2. Quyết định phân cấp thẩm quyền giao tài sản, đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, thuê mua, thu hồi, điều chuyển, bán, chuyển nhượng, thanh lý, tiêu hủy tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý;

3. Giám sát việc thi hành pháp luật về tài sản công tại địa phương;

4. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác được quy định tại Luật này và phân cấp của Chính phủ.

Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu về tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Thống nhất quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo phân cấp của Chính phủ sau khi có ý kiến thống nhất của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

3. Quyết định kế hoạch quản lý, sử dụng tài sản công của địa phương.

4. Hằng năm, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính về tình hình quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

5. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tài sản công, xử lý các hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật thuộc phạm vi quản lý.

6. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác được quy định tại Luật này và phân cấp của Chính phủ.

Điều 24. Cơ quan quản lý tài sản công

1. Cơ quan quản lý tài sản công chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tài sản công và trực tiếp quản lý đối với một số loại tài sản công theo quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan.

2. Cơ quan quản lý tài sản công ở trung ương thuộc Bộ Tài chính, cơ quan quản lý tài sản công ở địa phương thuộc Sở Tài chính. 

3. Các bộ, cơ quan trung ương giao một đầu mối thống nhất quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý.

4. Tổ chức dịch vụ công về tài sản công được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Chương III.

CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ

Mục 1. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG SỬ DỤNG

Điều 25. Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị

1. Nhà làm việc, công trình sự nghiệp và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

2. Quyền sử dụng đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp.

3. Phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị văn phòng và các tài sản khác phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Đối tượng được giao sử dụng tài sản công

1. Cơ quan nhà nước.

2. Đơn vị vũ trang nhân dân.

3. Đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Điều 27. Quyền và nghĩa vụ của đối tượng sử dụng tài sản công

1. Quyền:

a) Sử dụng tài sản công phục vụ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao; 

b) Quyết định biện pháp bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài sản công được giao theo chế độ quy định;

c) Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp;

d) Khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ:

a) Sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm;

b) Lập, quản lý hồ sơ tài sản công; kế toán tài sản theo quy định của Luật này và pháp luật về kế toán;

c) Báo cáo và công khai tài sản công theo quy định của Luật này;

d) Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản công theo chế độ quy định; 

đ) Thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật;

e) Giao lại tài sản công cho Nhà nước khi có quyết định thu hồi của cấp có thẩm quyền.

Điều 28. Quyền, nghĩa vụ của người đứng đầu

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 26 của Luật này có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Quyền:

a) Tổ chức thực hiện sử dụng tài sản công để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao;

b) Xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tài sản công.

2. Nghĩa vụ:

a) Ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế sử dụng tài sản công được Nhà nước giao;

b) Chấp hành các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và hiệu quả, tiết kiệm;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng tài sản công được Nhà nước giao.

Mục 2. TIÊU CHUẨN, ĐỊNH MỨC SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ

Điều 29. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công

1. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là các quy định về chủng loại, số lượng, mức giá, đối tượng được sử dụng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và áp dụng thống nhất. 

2. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công là căn cứ để lập kế hoạch và dự toán ngân sách; thực hiện giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê tài sản, khoán kinh phí sử dụng tài sản; bố trí sử dụng và xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Điều 30. Nguyên tắc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công

1. Đúng thẩm quyền.

2. Phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Tuân theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 31. Thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản

1. Chính phủ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với tài sản công là trụ sở làm việc, xe ô tô sau khi có ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản đặc biệt phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài chính; tiêu chuẩn, định mức sử dụng các loại máy móc, thiết bị văn phòng và các loại tài sản khác được sử dụng phổ biến tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng sau khi có ý kiến thống nhất của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Điều 32. Trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công

1. Cơ quan quản lý tài sản công, đối tượng được giao quản lý tài sản công có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc thực hiện tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.

2. Người sử dụng tài sản công có trách nhiệm tự kiểm tra việc thực hiện tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.

3. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có hành vi vi phạm tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Mục 3. CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Điều 33. Hình thành tài sản công tại cơ quan nhà nước

1. Nguồn hình thành tài sản công tại cơ quan nhà nước bao gồm:

a) Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật;

b) Nhà nước giao ngân sách hoặc cho phép sử dụng nguồn kinh phí khác để đầu tư xây dựng, mua sắm hoặc đi thuê tài sản.

2. Việc hình thành tài sản công tại cơ quan nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

a) Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;

b) Phù hợp với nguồn tài sản và nguồn kinh phí;

c) Tuân thủ phương thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan;

d) Công khai, minh bạch và công bằng.

Điều 34. Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan nhà nước

1. Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan nhà nước trong trường hợp thiếu tài sản so với tiêu chuẩn, định mức.

2. Nguồn tài sản để giao cho đối tượng sử dụng bao gồm:

a) Tài sản do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc mua sắm;

b) Tài sản thu hồi theo quy định tại Điều 47 Luật này;

c) Tài sản điều chuyển giữa trung ương và địa phương quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật này;

d) Tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định tại Chương VII Luật này;

đ) Đất được giao để xây dựng trụ sở theo quy định của pháp luật đất đai;

e) Nguồn khác theo quy định của pháp luật.

3. Thẩm quyền quyết định giao tài sản được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định giao tài sản công tại các điểm a, b, c, d và e khoản 2 Điều này cho các cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý và giao tài sản công do trung ương quản lý cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Ủy ban nhân dân các cấp quyết định giao tài sản công tại các điểm a, b, c, d và e khoản 2 Điều này cho các cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý; 

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao tài sản quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.

4. Cơ quan quản lý tài sản công tổ chức giao tài sản theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này. Việc tổ chức giao tài sản theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại điểm c khoản 3 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 35. Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước

1. Trụ sở làm việc được đầu tư xây dựng theo các mô hình sau đây:

a) Khu hành chính tập trung;

b) Trụ sở làm việc độc lập.

2. Khu hành chính tập trung là tổ hợp trụ sở làm việc được quy hoạch và xây dựng tập trung tại một khu vực để bố trí cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng sử dụng, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, giảm chi phí hành chính và thuận tiện trong giao dịch cho các tổ chức và công dân. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Khu hành chính tập trung phải đáp ứng mục tiêu, yêu cầu hiện đại hóa công sở; bảo đảm mục tiêu làm việc liên hoàn với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại; là địa điểm làm việc giao dịch thuận lợi cho các cơ quan nhà nước và đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc của người dân;

b) Vị trí lựa chọn để xây dựng khu hành chính tập trung phải phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thiết kế kiến trúc, xây dựng công trình tuân theo các quy định của pháp luật về quy hoạch và xây dựng; tùy theo điều kiện về địa hình, khí hậu và đặc điểm địa chất, kiến trúc của từng vùng, miền để nghiên cứu phương án bảo đảm tiết kiệm quỹ đất và chi phí vận hành;

c) Việc quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung phải căn cứ định hướng biên chế của cơ quan nhà nước theo từng giai đoạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc các cơ quan nhà nước;

d) Khu hành chính tập trung phải có Quy chế quản lý quy định cụ thể về công tác quản lý, sử dụng và được quản lý, vận hành đồng bộ bởi cơ quan chuyên trách. 

3. Trụ sở làm việc độc lập được đầu tư xây dựng khi cơ quan nhà nước chưa có trụ sở làm việc hoặc trụ sở làm việc hiện có không đảm bảo điều kiện làm việc, đồng thời:

a) Nhà nước không có trụ sở làm việc để giao theo quy định tại Điều 34 Luật này;

b) Không thuộc trường hợp được mua, thuê trụ sở làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều 36 và khoản 1 Điều 38 Luật này;

c) Không được bố trí trong khu hành chính tập trung.

4. Cơ quan quản lý tài sản công chịu trách nhiệm:

a) Tổ chức đầu tư xây dựng trụ sở làm việc theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan để giao cho các cơ quan nhà nước sử dụng;

b) Tổ chức quản lý trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước.

5. Chính phủ quy định cụ thể việc đầu tư xây dựng, quản lý khu hành chính tập trung.

Điều 36. Mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước

1. Việc mua sắm trụ sở làm việc và các tài sản khác được áp dụng trong trường hợp cơ quan nhà nước chưa có tài sản hoặc còn thiếu tài sản so với tiêu chuẩn, định mức nhưng không có tài sản để giao theo quy định tại Điều 33 Luật này và không thuộc trường hợp thuê, khoán kinh phí sử dụng tài sản quy định tại khoản 1 Điều 38, khoản 1 Điều 39 Luật này.

2. Việc mua sắm tài sản công được thực hiện theo một trong các phương thức sau:

a) Mua sắm tập trung được áp dụng đối với các loại tài sản có số lượng mua sắm lớn, chủng loại tương tự theo danh mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật này ban hành;

b) Mua sắm hợp nhất áp dụng trong trường hợp nhiều đối tượng sử dụng có nhu cầu mua sắm tài sản cùng loại và thống nhất gộp thành một gói thầu để giao cho một đầu mối thực hiện việc lựa chọn nhà cung cấp. Việc mua sắm hợp nhất không áp dụng đối với các loại tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung quy định tại điểm a khoản này;

c) Mua sắm phân tán được áp dụng đối với các loại tài sản không thuộc phạm vi quy định tại điểm a, điểm b khoản này.

3. Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản được thực hiện theo các hình thức sau:

a) Các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

b) Đàm phán giá được áp dụng đối với các loại tài sản có thông số về tiêu chuẩn, kỹ thuật rõ ràng, có mức giá bán do nhà cung cấp công bố công khai áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.

Điều 37. Mua sắm tập trung

1. Thẩm quyền ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung:

a) Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia để áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung áp dụng trong phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương;

d) Tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung quy định tại điểm b và điểm c khoản này không được trùng lắp với tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung quốc gia quy định tại điểm a khoản này.

2. Tổ chức mua sắm tài sản theo phương thức tập trung:

a) Bộ Tài chính tổ chức mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia;

b) Bộ, cơ quan trung ương tổ chức mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung của Bộ, cơ quan trung ương;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung của địa phương.

3. Thủ tướng Chính phủ quy định quy chế mua sắm tài sản công tập trung.

Điều 38. Thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước

1. Việc thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Chưa có tài sản hoặc còn thiếu tài sản so với tiêu chuẩn, định mức nhưng không có tài sản để giao theo quy định tại Điều 34 Luật này, không thuộc trường hợp khoán kinh phí theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật này;

b) Sử dụng tài sản trong thời gian ngắn hoặc sử dụng không thường xuyên;

c) Việc thuê tài sản hiệu quả hơn so với việc đầu tư xây dựng, mua sắm.

2. Cơ quan quản lý tài sản công thực hiện thuê đối với trụ sở làm việc. Cơ quan nhà nước thực hiện thuê đối với các tài sản khác.

3. Phương thức thuê, hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ cho thuê tài sản tại cơ quan nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 36, Điều 37 Luật này.

4. Trường hợp thuê mua tài sản thì ngoài việc tuân thủ các quy định tại Điều này còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, pháp luật về thương mại.

Điều 39. Khoán kinh phí sử dụng tài sản công tại cơ quan nhà nước

1. Việc khoán kinh phí sử dụng tài sản được áp dụng đối với các loại tài sản sau đây:

a) Phương tiện đi lại phục vụ công tác;

b) Điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động;

c) Các tài sản khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Việc khoán kinh phí được áp dụng đối với các đối tượng có tiêu chuẩn sử dụng tài sản.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về việc xác định mức khoán kinh phí sử dụng tài sản công. 

4. Kinh phí khoán sử dụng tài sản được thanh toán cho đối tượng nhận khoán cùng với việc chi trả thu nhập hàng tháng.

Điều 40. Sử dụng, khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước

1. Việc bố trí để sử dụng tài sản công phải đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ.

2. Việc sử dụng tài sản phải đúng mục đích, công năng. 

3. Cơ quan nhà nước được giao sử dụng tài sản công không được:

a) Cho mượn, sử dụng tài sản công vào mục đích cá nhân;

b) Tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản công, sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, liên doanh liên kết, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Trường hợp tài sản công đã được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm nhưng không sử dụng thường xuyên thì được khai thác trong thời gian không sử dụng theo hình thức cho thuê, kinh doanh dịch vụ. 

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định việc khai thác sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính (đối với tài sản công tại cơ quan nhà nước thuộc trung ương), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân (đối với tài sản công tại cơ quan nhà nước thuộc địa phương). 

Việc khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật này.

Điều 41. Sử dụng phương tiện đi lại tại cơ quan nhà nước

1. Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định quản lý việc sử dụng đối với phương tiện đi lại theo các phương thức sau đây:

a) Giao cho một đơn vị quản lý tập trung;

b) Giao cho các cơ quan nhà nước trực tiếp sử dụng.

2. Cơ quan, đơn vị được giao quản lý phương tiện đi lại quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm bố trí sử dụng phương tiện đi lại đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ. 

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 42. Sử dụng đất trụ sở làm việc tại cơ quan nhà nước

1. Cơ quan quản lý tài sản công được giao đất để xây dựng trụ sở làm việc cho các cơ quan nhà nước.

2. Quyền và nghĩa vụ của đối tượng được giao đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao, thu hồi đất trụ sở làm việc phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính đối với trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc trung ương; phải có ý kiến bằng văn bản của Sở Tài chính đối với trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc địa phương.

Điều 43. Lập, quản lý hồ sơ tài sản công tại cơ quan nhà nước

Đối tượng được giao sử dụng tài sản công có trách nhiệm lập, quản lý hồ sơ đối với các tài sản được giao sử dụng; trường hợp tài sản được quản lý theo mô hình tập trung thì đối tượng được giao quản lý tài sản theo mô hình tập trung có trách nhiệm lập, quản lý hồ sơ tài sản.

Điều 44. Kế toán, kiểm kê, báo cáo tài sản công tại cơ quan nhà nước

1. Tài sản công phải được kế toán kịp thời, đầy đủ cả về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật về kế toán.

2. Tài sản công tại cơ quan nhà nước phải được tính hao mòn tài sản cố định theo quy định của pháp luật.

3. Đối tượng được giao sử dụng tài sản công có trách nhiệm kiểm kê, báo cáo tài sản công.

Điều 45. Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công tại cơ quan nhà nước

1. Đối tượng được giao sử dụng tài sản công có trách nhiệm thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật do cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này ban hành.

2. Kinh phí sửa chữa tài sản công tại cơ quan nhà nước do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. 

3. Thẩm quyền ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa tài sản nhà nước:

a) Bộ quản lý chuyên ngành quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa đối với tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ;

b) Đối với tài sản nhà nước chưa có chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật của bộ quản lý chuyên ngành, căn cứ vào hướng dẫn của nhà sản xuất và thực tế sử dụng tài sản, Thủ trưởng cơ quan nhà nước được giao sử dụng tài sản quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng tại cơ quan mình.

Điều 46. Các hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước

1. Thu hồi.

2. Điều chuyển.

3. Bán, chuyển nhượng.

4. Thanh lý.

5. Tiêu hủy.

6. Ghi giảm tài sản.

Điều 47. Thu hồi tài sản công tại cơ quan nhà nước

1. Nhà nước thu hồi tài sản công tại cơ quan nhà nước trong các trường hợp sau đây:

a) Trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất không sử dụng quá 12 tháng;

b) Được Nhà nước giao trụ sở mới hoặc đầu tư xây dựng trụ sở khác để thay thế;

c) Tài sản sử dụng không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; sử dụng sai mục đích, cho mượn; 

d) Chuyển nhượng, bán, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn, sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 40 Luật này;

đ) Tài sản đã được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc sử dụng không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức bộ máy, thay đổi chức năng, nhiệm vụ;

e) Phải thay thế do yêu cầu đổi mới kỹ thuật, công nghệ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

g) Đối tượng sử dụng tự nguyện trả lại tài sản cho Nhà nước;

h) Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Cơ quan nhà nước có tài sản bị thu hồi có trách nhiệm bàn giao tài sản cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này theo đúng quyết định thu hồi. Nghiêm cấm việc tháo dỡ, thay đổi các bộ phận của tài sản đã có quyết định thu hồi. 

3. Cơ quan quản lý tài sản công có trách nhiệm:

a) Tiếp nhận tài sản thu hồi theo quyết định của cấp có thẩm quyền; tổ chức bảo quản, bảo vệ, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản trong thời gian chờ xử lý;

b) Lập phương án xử lý, khai thác tài sản thu hồi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện phương án xử lý, khai thác tài sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc khai thác tài sản công bị thu hồi được thực hiện theo các hình thức quy định tại khoản 4 Điều 40 Luật này và do cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản quyết định.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 48. Điều chuyển tài sản công

1. Việc điều chuyển tài sản công giữa các cơ quan nhà nước trong cùng một cấp quản lý được thực hiện theo phương thức thu hồi và giao.

2. Việc điều chuyển tài sản giữa trung ương và địa phương do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 

3. Việc điều chuyển tài sản giữa các cấp quản lý ở địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

4. Không thực hiện thanh toán giá trị tài sản trong trường hợp điều chuyển tài sản công. Riêng trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, đơn vị tiếp nhận tài sản phải thanh toán cho đơn vị có tài sản điều chuyển giá trị còn lại của tài sản trong trường hợp đơn vị có tài sản điều chuyển có nhu cầu sử dụng giá trị còn lại của tài sản để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản thay thế theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Cơ quan nhà nước có tài sản điều chuyển chủ trì, phối hợp với đơn vị được tiếp nhận tài sản thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận tài sản. Trường hợp điều chuyển tài sản quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan quản lý tài sản công có trách nhiệm thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận tài sản.

Điều 49. Bán, chuyển nhượng tài sản công tại cơ quan nhà nước

1. Việc bán, chuyển nhượng tài sản công được áp dụng trong các trường hợp sau:

a) Tài sản công bị thu hồi theo quy định tại Điều 47 Luật này;

b) Sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT);

c) Các trường hợp khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền. 

2. Việc bán, chuyển nhượng tài sản công được thực hiện công khai theo hình thức đấu giá, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Bán, chuyển nhượng tài sản công theo hình thức trực tiếp được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Tài sản có giá trị đánh giá lại dưới 50 triệu đồng/1 đơn vị tài sản;

b) Sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức hợp đồng BT;

c) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

4. Cơ quan quản lý tài sản công hoặc cơ quan nhà nước được giao sử dụng tài sản có trách nhiệm tổ chức bán, chuyển nhượng đối với tài sản như sau:

a) Tổ chức bán, chuyển nhượng hoặc ký hợp đồng thuê tổ chức dịch vụ công để thực hiện bán, chuyển nhượng tài sản theo hình thức đấu giá. Trình tự, thủ tục đấu giá tài sản công thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản;

b) Thực hiện chuyển giao tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức hợp đồng BT; việc thanh toán dự án BT bằng tài sản công được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá. Giá trị dự án BT xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng; giá trị tài sản công thanh toán xác định theo giá thị trường;

c) Tổ chức bán, chuyển nhượng tài sản theo hình thức bán trực tiếp.

5. Tiền thu được từ việc bán, chuyển nhượng tài sản công, sau khi trừ các chi phí hợp lý liên quan đến việc bán, chuyển nhượng tài sản, được quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 53 Luật này.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 50. Thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước

1. Tài sản công được thanh lý trong các trường hợp sau đây:

a) Tài sản không thể tiếp tục sử dụng theo công năng ban đầu;

b) Trụ sở làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Việc thanh lý tài sản công được thực hiện theo hình thức phá dỡ, hủy bỏ. Vật liệu thu hồi từ thanh lý tài sản công được thực hiện bán theo các hình thức được quy định tại khoản 3 Điều 49 Luật này.

3. Cơ quan quản lý tài sản công, đối tượng sử dụng tài sản công có tài sản thanh lý tổ chức thực hiện việc thanh lý tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Tiền thu được từ việc thanh lý tài sản công, sau khi trừ các chi phí hợp lý liên quan đến việc thanh lý tài sản, được quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 53 Luật này.

Điều 51. Tiêu hủy tài sản công tại cơ quan nhà nước

1. Tài sản công bị tiêu huỷ theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật.

2. Hình thức tiêu hủy:

a) Sử dụng hóa chất;

b) Sử dụng biện pháp cơ học; 

c) Hủy đốt, hủy chôn; 

d) Hình thức khác theo quy định của pháp luật.

3. Đối tượng sử dụng tài sản công có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc tiêu hủy tài sản theo các hình thức quy định tại khoản 2 Điều này và pháp luật có liên quan.

Điều 52. Ghi giảm tài sản công

1. Tài sản công được xử lý theo hình thức ghi giảm tài sản trong các trường hợp sau đây:

a) Bị mất;

b) Bị hủy hoại do thiên tai, hỏa hoạn và các nguyên nhân bất khả kháng khác.

2. Việc xác định tài sản bị mất, bị hủy hoại phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Đối tượng được giao sử dụng tài sản công thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm:

a) Báo cáo cấp có thẩm quyền tình trạng của tài sản bị mất, bị hủy hoại và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan;

b) Thực hiện ghi giảm tài sản và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

4. Trường hợp tài sản bị mất, bị hủy hoại được doanh nghiệp bảo hiểm hoặc các tổ chức, cá nhân có liên quan bồi thường thiệt hại thì việc giao tài sản bằng hiện vật hoặc sử dụng số tiền bồi thường để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản thay thế được thực hiện theo quy định tại các Điều 34, 35, 36 và 37 Luật này.

Điều 53. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước

1. Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công được nộp vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan quản lý tài sản công làm chủ tài khoản.

2. Sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, số tiền còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng để thực hiện đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công.

Mục 4. CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Điều 54. Hình thành tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập

1. Nguồn hình thành tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:

a) Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật hoặc giao ngân sách, nguồn kinh phí khác để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản hoặc đi thuê tài sản; 

b) Nhà nước cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được huy động vốn, nhận góp vốn, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Việc hình thành tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập phải căn cứ vào các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật này. Đối với tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, việc hình thành còn phải bảo đảm nguyên tắc tự hoàn trả vốn và trang trải chi phí.

Điều 55. Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật cho đơn vị sự nghiệp công lập

Việc Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật cho đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Điều 34 Luật này.

Điều 56. Đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp

1. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp (kể cả việc huy động vốn, nhận góp vốn, liên doanh, liên kết) được áp dụng trong trường hợp chưa có cơ sở hoạt động sự nghiệp hoặc cơ sở hoạt động sự nghiệp hiện có còn thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao nhưng không có tài sản để giao theo quy định tại Điều 55 Luật này, không thuộc trường hợp thuê cơ sở hoạt động sự nghiệp theo quy định tại Điều 58 Luật này.

2. Thẩm quyền quyết định, tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 57. Mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập

1. Việc mua sắm cơ sở hoạt động sự nghiệp và các tài sản khác được áp dụng trong trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chưa có tài sản hoặc còn thiếu tài sản so với nhu cầu để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao nhưng không có tài sản để giao theo quy định tại Điều 55 Luật này và không thuộc trường hợp thuê, khoán kinh phí theo quy định tại Điều 58 Luật này.

2. Phương thức mua sắm tài sản công, hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, mua sắm tài sản công tập trung phục vụ hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 36 và Điều 37 Luật này.

Điều 58. Thuê tài sản, khoán kinh phí sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập

Việc thuê tài sản, khoán kinh phí sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Điều 38, Điều 39 Luật này.

Điều 59. Sử dụng, khai thác tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập

1. Việc bố trí để sử dụng tài sản công phải đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ.

2. Việc sử dụng tài sản phải đúng mục đích, công năng. 

3. Không được cho mượn, sử dụng tài sản công vào mục đích cá nhân.

4. Việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết, thế chấp thực hiện theo quy định tại các Điều 60, 61, 62 và 63 Luật này.

Điều 60. Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh dịch vụ dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết

1. Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 61, khoản 1 Điều 62 và khoản 1 Điều 63 Luật này.

2. Việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Được cấp có thẩm quyền cho phép;

b) Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao;

c) Sử dụng tài sản đúng mục đích đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị;

d) Phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản;

đ) Tính đủ khấu hao tài sản cố định và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước theo quy định của pháp luật;

e) Thực hiện theo cơ chế thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết có trách nhiệm:

a) Lập phương án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định;

b) Tổ chức thực hiện phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Đăng ký thông tin về việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh liên kết với cơ quan quản lý tài sản công;

d) Quản lý, sử dụng số tiền thu được theo cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Cơ quan quản lý tài sản công có trách nhiệm:

a) Thẩm định để trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc có ý kiến về việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết;

b) Tiếp nhận, quản lý và công khai thông tin về việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết.

5. Tiền thu được từ hoạt động kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được kế toán đầy đủ theo quy định của pháp luật về kế toán và được quản lý, sử dụng theo cơ chế tài chính áp dụng đối với từng loại hình đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 61. Sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh dịch vụ

1. Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh dịch vụ trong các trường hợp sau đây:

a) Tài sản chưa sử dụng hết công suất; 

b) Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm để phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ phải đảm bảo các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật này.

3. Thẩm quyền quyết định việc sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh dịch vụ được quy định như sau:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản khác gắn liền với đất; xe ô tô; tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng (năm trăm triệu đồng) trở lên/01 đơn vị tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý;

b) Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập quyết định đối với các tài sản không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản này.

Điều 62. Sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê

1. Đơn vị sự nghiệp công lập được cho thuê tài sản trong các trường hợp sau đây:

a) Tài sản sử dụng chưa hết công suất; 

b) Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm để cho thuê theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Việc cho thuê tài sản công phải đảm bảo các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật này và phải lập thành đề án trình cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này phê duyệt trước khi thực hiện.

3. Thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đề án cho thuê đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản khác gắn liền với đất; xe ô tô; tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng (năm trăm triệu đồng) trở lên/01 đơn vị tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý;

b) Thủ trưởng đơn vị phê duyệt đề án cho thuê đối với các tài sản không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản này.

4. Phương thức và giá cho thuê tài sản được quy định như sau:

a) Đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo phương thức đấu giá; giá cho thuê là giá trúng đấu giá;

b) Đối với các tài sản không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản này thực hiện theo phương thức thoả thuận; giá cho thuê tài sản do người cho thuê và người đi thuê tài sản thoả thuận theo giá thuê trên thị trường của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ.

Điều 63. Sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết

1. Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong các trường hợp sau đây:

a) Tài sản chưa sử dụng hết công suất; 

b) Tài sản được đầu tư xây dựng để phục vụ hoạt động liên doanh, liên kết theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Việc sử dụng tài sản nhà nước để liên doanh, liên kết đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Việc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết phải đảm bảo các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật này và phải lập thành đề án trình cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này phê duyệt trước khi thực hiện.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương phê duyệt đề án sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý để liên doanh, liên kết sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đề án sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương để liên doanh, liên kết sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.

4. Trường hợp sử dụng tài sản để tính thành vốn góp khi liên doanh, liên kết, việc xác định giá trị tài sản phải đảm bảo các nguyên tắc sau: 

a) Đối với tài sản là quyền sử dụng đất, giá trị quyền sử dụng đất được xác định phù hợp với giá thực tế trên thị trường tại thời điểm liên doanh, liên kết; 

b) Đối với tài sản gắn liền với đất, giá trị tài sản được xác định phù hợp với giá trị thực tế còn lại theo kết quả đánh giá lại; 

c) Đối với tài sản nhà nước không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này, giá trị tài sản được xác định phù hợp với giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ với tài sản để liên doanh, liên kết.

5. Tài sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết được quản lý, sử dụng theo quy định của Điều 59 Luật này và pháp luật có liên quan.

Điều 64. Huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản

1. Đơn vị sự nghiệp công lập được huy động vốn của các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có dự án đầu tư mua sắm tài sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Nhà nước không bố trí hoặc bố trí không đủ vốn cho việc đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản;

c) Có phương án huy động và hoàn trả vốn;

d) Đơn vị sự nghiệp công lập tự chịu trách nhiệm về việc hoàn trả vốn huy động theo quy định của pháp luật.

2. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc huy động vốn.

3. Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản hình thành từ nguồn vốn huy động (bao gồm cả quyền sử dụng đất gắn với tài sản hình thành từ vốn huy động trong trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần) để thế chấp khi huy động vốn.

4. Số tiền thu được từ việc sử dụng, khai thác tài sản được sử dụng để hoàn trả vốn huy động (bao gồm cả chi phí huy động vốn), trang trải các chi phí cho việc khai thác, sử dụng tài sản, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Số tiền còn lại được nộp vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.

Điều 65. Kế toán, kiểm kê, báo cáo tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập

1. Tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập phải được kế toán kịp thời, đầy đủ cả về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật về kế toán.

2. Đơn vị sự nghiệp công lập được giao sử dụng tài sản có trách nhiệm kiểm kê, báo cáo số lượng, giá trị, tình hình quản lý, sử dụng tài sản thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 66. Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập

1. Việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 45 Luật này.

2. Kinh phí sửa chữa tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập do đơn vị tự bảo đảm bằng nguồn kinh phí được phép sử dụng.

Điều 67. Xử lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập

1. Việc xử lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo các hình thức quy định tại Điều 46 và Điều 68 Luật này.

2. Việc xử lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập theo các hình thức quy định tại Điều 46 Luật này được thực hiện theo quy định tại các Điều 47, 48, 49, 50, 51 và 52 Luật này.

3. Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công sau khi trừ đi các chi phí có liên quan (kể cả số vốn huy động và tiền lãi phát sinh chưa hoàn trả để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản), số tiền còn lại, đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng để bổ sung quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

Riêng số tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất được nộp vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan quản lý tài sản công làm chủ tài khoản, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, trừ các trường hợp sau đây: 

a) Đơn vị sự nghiệp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hoạt động sự nghiệp;

b) Đơn vị sự nghiệp công lập nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà tiền đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước;

c) Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 68. Xử lý tài sản công khi chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp

1. Khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp, việc xử lý tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện như sau:

a) Tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản đang quản lý, sử dụng;

b) Xử lý đối với tài sản thừa thiếu, tài sản không có nhu cầu sử dụng, tài sản ứ đọng chờ thanh lý theo chế độ quy định;

c) Xác định giá trị tài sản để chuyển sang doanh nghiệp theo nguyên tắc phù hợp với giá thị trường tại thời điểm chuyển đổi.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 5. CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

Điều 69. Tài sản công tại lực lượng vũ trang nhân dân

Tài sản công tại lực lượng vũ trang nhân dân là những tài sản Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sử dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bao gồm:

1. Tài sản đặc biệt;

2. Tài sản chuyên dùng;

3. Tài sản phục vụ công tác quản lý.

Điều 70. Quản lý, sử dụng tài sản đặc biệt tại lực lượng vũ trang nhân dân

1. Tài sản đặc biệt tại lực lượng vũ trang nhân dân là tài sản chỉ sử dụng trong chiến đấu, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và nghiệp vụ quốc phòng, an ninh, gồm:

a) Vũ khí, khí tài, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đặc biệt; phương tiện đặc chủng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ; 

b) Công trình chiến đấu, công trình nghiệp vụ an ninh. 

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm:

a) Ban hành danh mục cụ thể tài sản đặc biệt;

b) Quy định biên chế tài sản đặc biệt;

c) Quy định hệ thống sổ và mẫu biểu theo dõi tài sản đặc biệt.

3. Việc hình thành tài sản, sử dụng tài sản, xử lý tài sản đặc biệt được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Việc giao tài sản, sử dụng tài sản phải phù hợp với biên chế tài sản; bảo đảm yêu cầu bí mật;

b) Hồ sơ và báo cáo về tài sản đặc biệt được quản lý, lưu trữ theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

c) Việc xử lý tài sản chỉ được thực hiện sau khi tài sản đó được loại ra khỏi biên chế; phế liệu thu hồi từ việc thanh lý tài sản là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đặc biệt chỉ bán cho các nhà máy thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;

d) Các nội dung không được quy định tại các điểm a, b và c khoản này được thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương này.

Điều 71. Quản lý, sử dụng tài sản chuyên dùng và tài sản phục vụ công tác quản lý tại lực lượng vũ trang nhân dân

1. Tài sản chuyên dùng tại lực lượng vũ trang nhân dân là tài sản sử dụng thường xuyên phục vụ hoạt động quốc phòng, an ninh của lực lượng vũ trang nhân dân không thuộc khoản 1 Điều 70 Luật này, gồm:

a) Nhà và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc doanh trại, trụ sở đóng quân, kho tàng, trường đào tạo nghiệp vụ quốc phòng, an ninh, trường bắn, thao trường, bãi tập, cơ sở giam giữ của lực lượng vũ trang nhân dân (gọi là công trình chuyên dùng);

b) Phương tiện vận tải chuyên dùng quốc phòng, an ninh; 

c) Công cụ hỗ trợ khác (ngoài công cụ hỗ trợ đặc biệt) và các tài sản khác là loại tài sản có cấu tạo đặc biệt phục vụ công tác, chiến đấu của đơn vị vũ trang nhân dân.

2. Tài sản phục vụ công tác quản lý là tài sản sử dụng trong công tác, huấn luyện, nghiệp vụ, học tập của lực lượng vũ trang nhân dân, gồm:

a) Nhà và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc nhà trường (trừ các học viện, trường đào tạo nghiệp vụ quốc phòng, an ninh); cơ sở khám, chữa bệnh, nhà an dưỡng, nhà điều dưỡng; nhà khách, nhà công vụ; nhà thi đấu, nhà tập luyện thể dục, thể thao và các cơ sở khác không thuộc khuôn viên doanh trại, trụ sở đóng quân của lực lượng vũ trang nhân dân;

b) Xe ô tô chỉ huy, xe ô tô phục vụ công tác, các loại phương tiện giao thông vận tải khác;
c) Máy móc, thiết bị, phương tiện làm việc.

3. Việc hình thành tài sản, sử dụng tài sản, xử lý tài sản chuyên dùng và tài sản phục vụ công tác quản lý của lực lượng vũ trang nhân dân được thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương này; đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì thực hiện theo quy định tại Mục 4 Chương này.

Mục 6. QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG CỦA CƠ QUAN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 72. Quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài

1. Việc hình thành tài sản công, quản lý, sử dụng và xử lý tài sản công của Cơ quan đại diện, Cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan Việt Nam ở nước ngoài) phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành theo quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan.

2. Trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, bảo dưỡng, sửa chữa, bán, chuyển nhượng, thanh lý và tiêu hủy tài sản công của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của các văn bản sau:

a) Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao;

b) Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước sở tại;

c) Pháp luật của nước sở tại;

d) Pháp luật của Việt Nam.

Trường hợp giữa các văn bản nêu trên không thống nhất thì lựa chọn thực hiện theo thứ tự từ trên xuống dưới.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 7. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI CÁC TỔ CHỨC

Điều 73. Quản lý, sử dụng tài sản công tại tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội

1. Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật, giao ngân sách để tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê tài sản, khoán kinh phí sử dụng tài sản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Việc hình thành tài sản, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương này; đối với tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định tại Mục 4 Chương này.

3. Tài sản công đã có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thuộc quyền sở hữu của tổ chức; việc quản lý, sử dụng tài sản này thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, pháp luật có liên quan và Điều lệ của tổ chức.

Điều 74. Quản lý, sử dụng tài sản công tại tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp

1. Tài sản là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp hoặc tài sản khác gắn liền với đất mà Nhà nước giao cho tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp sử dụng là tài sản công; việc giao tài sản, quản lý, sử dụng và xử lý tài sản được thực hiện theo quy định tại Mục 4 Chương này. Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp được giao tài sản có trách nhiệm bảo vệ tài sản được giao theo quy định của pháp luật và thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản bằng kinh phí của tổ chức. Số tiền thu được từ việc khai thác tài sản công, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, được tính thành phần kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho tổ chức.

2. Tài sản không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà Nhà nước giao cho tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp sử dụng thuộc sở hữu của tổ chức; việc quản lý, sử dụng và xử lý tài sản này được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, pháp luật có liên quan và Điều lệ của tổ chức.

Điều 75. Quản lý, sử dụng tài sản công tại tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp

1. Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự bảo đảm kinh phí đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản, Nhà nước không giao tài sản hoặc hỗ trợ ngân sách đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cho tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

2. Tài sản là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp hoặc tài sản khác gắn liền với đất mà Nhà nước đã giao cho tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành là tài sản công; việc quản lý, sử dụng và xử lý tài sản này được thực hiện theo quy định tại Mục 4 Chương này. Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được giao sử dụng tài sản có trách nhiệm bảo vệ tài sản được giao theo quy định của pháp luật và thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản bằng kinh phí của tổ chức. Số tiền thu được từ việc khai thác tài sản công, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, được tính thành phần kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho tổ chức.

3. Việc quản lý, sử dụng đối với tài sản không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, pháp luật có liên quan và Điều lệ của tổ chức.

Chương IV.

CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG

Mục 1. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC GIAO QUẢN LÝ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG

Điều 76. Tài sản kết cấu hạ tầng

1. Tài sản kết cấu hạ tầng được quản lý theo quy định tại Luật này là những tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý, bao gồm:

a) Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng biển, cảng hàng không;

b) Tài sản kết cấu hạ tầng cung cấp điện;

c) Tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu;

d) Tài sản kết cấu hạ tầng đô thị;

đ) Tài sản kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế;

e) Tài sản kết cấu hạ tầng thương mại;

g) Tài sản kết cấu hạ tầng thông tin;

h) Tài sản kết cấu hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ;

i) Tài sản kết cấu hạ tầng y tế;

k) Tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch. 

2. Tài sản kết cấu hạ tầng không do Nhà nước đầu tư, quản lý, tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), việc quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Tài sản kết cấu hạ tầng đã tính thành vốn giao cho doanh nghiệp được quản lý theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Điều 77. Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng và trách nhiệm của người đứng đầu

1. Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng bao gồm: 

a) Cơ quan nhà nước; 

b) Đơn vị vũ trang nhân dân;

c) Đơn vị sự nghiệp công lập; 

d) Doanh nghiệp nhà nước.

2. Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thuộc trung ương quản lý do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định theo phân cấp của Chính phủ. 

3. Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thuộc địa phương quản lý do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo phân cấp của Chính phủ.

4. Người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý tài sản thuộc kết cấu hạ tầng chịu trách nhiệm trước Nhà nước trong việc quản lý tài sản thuộc kết cấu hạ tầng.

Điều 78. Quyền và nghĩa vụ của đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng

1. Quyền: 

a) Quyết định biện pháp bảo vệ, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được giao quản lý theo quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp;

c) Khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ:

a) Lập, quản lý hồ sơ; kế toán tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của Luật này và pháp luật về kế toán;

b) Thực hiện chế độ báo cáo và công khai về tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của Luật này;

c) Thực hiện các biện pháp duy trì, phát triển, bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng theo chế độ quy định; 

d) Thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong khai thác tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật;

đ) Giao lại tài sản kết cấu hạ tầng khi Nhà nước có quyết định thu hồi.

Mục 2. GIAO TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHO ĐỐI TƯỢNG QUẢN LÝ

Điều 79. Nguồn tài sản để giao cho đối tượng quản lý

1. Tài sản kết cấu hạ tầng hiện có tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, trừ các tài sản kết cấu hạ tầng đã có quyết định của cấp có thẩm quyền giao cho đối tượng quản lý.

2. Tài sản kết cấu hạ tầng được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định tại Chương VII Luật này.

3. Tài sản kết cấu hạ tầng được bàn giao sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng.

4. Tài sản thuộc kết cấu hạ tầng bị thu hồi theo quy định tại Điều 97 Luật này.

5. Nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 80. Nguyên tắc giao tài sản kết cấu hạ tầng cho đối tượng quản lý

1. Mọi tài sản kết cấu hạ tầng đều được Nhà nước giao cho đối tượng quản lý. 

2. Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

3. Tuân thủ thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan.

4. Đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả.

Điều 81. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao tài sản thuộc kết cấu hạ tầng cho đối tượng quản lý

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng thuộc trung ương quản lý.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng thuộc địa phương quản lý.

3. Trình tự, thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng cho đối tượng quản lý thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 82. Đầu tư xây dựng tài sản kết cấu hạ tầng

1. Việc đầu tư xây dựng tài sản kết cấu hạ tầng phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Ưu tiên sử dụng các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có khả năng thu hồi vốn cao; chỉ sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các tài sản kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn hoặc khả năng thu hồi vốn thấp, tài sản liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;

c) Xác định rõ đối tượng thụ hưởng và đối tượng được giao quản lý;

d) Thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng.

2. Thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng tài sản kết cấu hạ tầng thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

Mục 3. HỒ SƠ, KẾ TOÁN, BÁO CÁO TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG

Điều 83. Lập, quản lý hồ sơ tài sản kết cấu hạ tầng

Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng phải lập, quản lý, lưu trữ hồ sơ tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi được giao quản lý theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật có liên quan.

Điều 84. Kế toán, kiểm kê, báo cáo tài sản kết cấu hạ tầng

1. Tài sản kết cấu hạ tầng phải được kế toán kịp thời, đầy đủ cả về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật về kế toán.

2. Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng có trách nhiệm kiểm kê, báo cáo số lượng, giá trị, tình hình quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được giao quản lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Mục 4. BẢO TRÌ TÀI SẢN THUỘC KẾT CẤU HẠ TẦNG

Điều 85. Bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng

1. Bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng là tập hợp các hoạt động bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của thiết kế để đảm bảo hoạt động bình thường và an toàn khi sử dụng.

2. Bảo trì tài sản thuộc kết cấu hạ tầng bao gồm: 

a) Bảo dưỡng thường xuyên là hoạt động theo dõi, chăm sóc, sửa chữa những hư hỏng nhỏ, duy tu thiết bị đã lắp đặt vào công trình được tiến hành thường xuyên, định kỳ để duy trì tài sản kết cấu hạ tầng ở trạng thái khai thác, sử dụng bình thường và hạn chế phát sinh hư hỏng;

b) Sửa chữa định kỳ là hoạt động được thực hiện theo kế hoạch nhằm khôi phục, cải thiện tình trạng kỹ thuật của tài sản kết cấu hạ tầng mà bảo dưỡng thường xuyên không đáp ứng được;

c) Sửa chữa đột xuất là hoạt động phải thực hiện bất thường khi tài sản kết cấu hạ tầng bị hư hỏng đột xuất do các tác động của thiên tai, địch họa, những tác động đột xuất khác hoặc khi có biểu hiện có thể gây hư hỏng đột xuất cần khắc phục kịp thời để bảo đảm duy trì hoạt động bình thường.

Điều 86. Tổ chức thực hiện bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng

1. Mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu và năng lực đều được Nhà nước xem xét giao thực hiện việc bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng.

2. Định kỳ hàng năm, đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng có trách nhiệm lập và công bố công khai Danh mục và kế hoạch bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý.

3. Việc lựa chọn tổ chức, cá nhân để bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

4. Việc bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng được thực hiện thông qua hợp đồng kinh tế và theo các phương thức sau đây:

a) Theo chất lượng thực hiện;

b) Theo khối lượng thực tế;

c) Giao việc bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng cho nhà thầu thi công.

5. Kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng được bố trí từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước hoặc nguồn kinh phí khác được phép sử dụng, trừ trường hợp quy định tại Điều 87 Luật này.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 87. Bảo trì đối với tài sản kết cấu hạ tầng trong trường hợp chuyển nhượng quyền thu phí, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng

Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền thu phí, thuê quyền khai thác, nhận chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng có quyền và nghĩa vụ sau đây trong việc thực hiện bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng:

1. Thực hiện bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng theo Hợp đồng ký kết.

2. Được thanh toán kinh phí bảo trì theo công việc thực tế thực hiện; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi vi phạm quy định trong Hợp đồng ký kết.

3. Quyết định phương thức và đảm bảo nguồn kinh phí để bảo trì tài sản.

Mục 5. KHAI THÁC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG

Điều 88. Phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng

1. Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được thực hiện theo các phương thức sau đây:

a) Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng trực tiếp tổ chức khai thác tài sản;

b) Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng;

c) Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng;

d) Chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng.

2. Căn cứ vào yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập phương án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý theo các phương thức quy định tại khoản 1 Điều này, trình Thủ tướng Chính phủ (đối với tài sản kết cấu hạ tầng thuộc trung ương quản lý), Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản kết cấu hạ tầng thuộc địa phương quản lý) phê duyệt.

3. Trên cơ sở phương án được phê duyệt:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chuyên ngành hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định việc khai thác tài sản theo phương thức quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này đối với tài sản kết cấu hạ tầng thuộc trung ương quản lý; 

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc khai thác tài sản theo phương thức quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này đối với tài sản kết cấu hạ tầng thuộc địa phương quản lý;

c) Thủ trưởng đơn vị quyết định việc tổ chức thực hiện khai thác tài sản theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Điều 89. Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng trực tiếp tổ chức khai thác tài sản

1. Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng trực tiếp tổ chức khai thác tài sản theo các hình thức sau:

a) Cung cấp dịch vụ liên quan đến tài sản kết cấu hạ tầng;

b) Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kèm theo.

2. Phương thức trực tiếp tổ chức khai thác tài sản được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Tài sản kết cấu hạ tầng có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia;

b) Không có tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện các phương thức khai thác tài sản quy định tại các khoản b, c và d khoản 1 Điều 88 Luật này;

c) Áp dụng phương thức trực tiếp tổ chức khai thác tài sản hiệu quả hơn các phương thức quy định tại các khoản b, c và d khoản 1 Điều 88 Luật này.

3. Nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng bao gồm: Phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí; tiền thu từ cung cấp dịch vụ.

4. Việc quản lý nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và chế độ tài chính áp dụng đối với từng đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng.

5. Người đứng đầu đối tượng được giao quản lý tài sản thuộc kết cấu hạ tầng tổ chức thực hiện việc khai thác tài sản theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Điều 90. Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng

1. Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng là việc Nhà nước chuyển giao quyền thu phí sử dụng cho tổ chức, cá nhân thực hiện trong một thời hạn nhất định theo hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.

2. Việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng được áp dụng đối với tài sản kết cấu hạ tầng được thu phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. 

3. Việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng được thực hiện theo hình thức đấu giá, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng được xác định cho từng hợp đồng nhưng tối đa không quá 10 năm và có thể gia hạn nhưng thời gian gia hạn không quá 10 năm.

Điều 91. Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng

1. Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng là việc Nhà nước chuyển giao có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cho tổ chức, cá nhân theo hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.

2. Việc cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được áp dụng đối với tài sản hiện có và không thuộc tài sản được quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật này.

3. Việc cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được thực hiện theo hình thức đấu giá, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Thời hạn cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng được xác định cụ thể trong từng hợp đồng cho thuê nhưng tối đa không quá 10 năm và có thể gia hạn nhưng thời gian gia hạn không quá 10 năm.

Điều 92. Chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng

1. Chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng là việc Nhà nước chuyển giao có thời hạn quyền đầu tư nâng cấp, mở rộng và quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng theo hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.

2. Việc chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng áp dụng đối với tài sản kết cấu hạ tầng hiện có đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng (chi tiết về quy mô, tổng mức vốn đầu tư, kế hoạch triển khai dự án).

3. Việc chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng được thực hiện thông qua hình thức đấu giá, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Thời hạn chuyển nhượng tài sản kết cấu hạ tầng được xác định cụ thể trong từng hợp đồng chuyển nhượng nhưng tối đa không quá 49 năm.

Điều 93. Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP)

1. Đối với các dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng hiện có thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) thì việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết và quy định của pháp luật liên quan. 
2. Tổ chức, cá nhân được giao thực hiện hợp đồng thực hiện việc bảo trì, bảo vệ tài sản.
3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung hợp đồng đã ký kết.

Điều 94. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng

1. Toàn bộ số tiền thu được từ việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được nộp vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan tài chính làm chủ tài khoản.

2. Sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, số tiền còn lại được xử lý như sau:

a) Trả nợ vốn vay đối với tài sản được hình thành từ vốn vay; sau khi trả hết nợ thì xử lý theo quy định tại điểm c khoản này;

b) Quản lý, sử dụng theo cơ chế tài chính của doanh nghiệp đối với tài sản kết cấu hạ tầng hình thành từ nguồn vốn do tổ chức kinh tế tự huy động và thực hiện nghĩa vụ trả nợ;
c) Nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng để phục vụ công tác bảo trì và đầu tư phát triển tài sản kết cấu hạ tầng.

Điều 95. Khai thác quỹ đất thuộc kết cấu hạ tầng

1. Hình thức sử dụng đất:

a) Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với quỹ đất sử dụng vào mục đích xây dựng công trình kết cấu hạ tầng không nhằm mục đích kinh doanh;

b) Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm hoặc trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đối với quỹ đất sử dụng vào mục đích xây dựng công trình kết cấu hạ tầng có mục đích kinh doanh, đất dịch vụ hỗ trợ.

2. Chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất thuộc kết cấu hạ tầng thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai.

3. Khi thay đổi hình thức sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện các quyền thế chấp, bán, góp vốn, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuộc kết cấu hạ tầng phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính, cơ quan chủ quản trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật.

Mục 6. XỬ LÝ TÀI SẢN THUỘC KẾT CẤU HẠ TẦNG

Điều 96. Các hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng

1. Thu hồi.

2. Bán.

3. Thanh lý.

4. Ghi giảm tài sản.

Điều 97. Thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng

1. Tài sản kết cấu hạ tầng được thu hồi khi có sự thay đổi về quy hoạch, phương thức quản lý, phân cấp quản lý, phân loại tài sản và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng: 

Cấp có thẩm quyền giao tài sản kết cấu hạ tầng cho đối tượng quản lý quy định tại Điều 81 Luật này quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng.

3. Tài sản kết cấu hạ tầng thu hồi được xử lý theo các hình thức sau:

a) Giao cho đối tượng quản lý theo quy định tại các Điều 79, 80 và 81 Luật này;

b) Bán theo quy định tại Điều 98 Luật này;

4. Căn cứ hình thức xử lý tài sản quy định tại khoản 3 Điều này, cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 81 Luật này quyết định phương án xử lý tài sản kết cấu hạ tầng bị thu hồi.

Điều 97. Bán tài sản kết cấu hạ tầng

1. Việc bán tài sản kết cấu hạ tầng được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Tài sản bị thu hồi theo quy định tại Điều 97 Luật này;

b) Chuyển mục đích sử dụng đất gắn với chuyển đổi công năng sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Việc bán tài sản kết cấu hạ tầng được thực hiện thông qua hình thức đấu giá, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Thẩm quyền quyết định bán tài sản kết cấu hạ tầng:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chuyên ngành hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định bán đối với tài sản kết cấu hạ tầng thuộc trung ương quản lý; 

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bán đối với tài sản kết cấu hạ tầng thuộc địa phương quản lý.

4. Tổ chức bán đấu giá tài sản kết cấu hạ tầng:

a) Cơ quan quản lý tài sản công đối với tài sản quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, người được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đối với tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều này ký hợp đồng với tổ chức dịch vụ công để thực hiện bán đấu giá tài sản;

b) Trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá được xác định theo quy định của pháp luật về giá và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

5. Đối với tài sản bán trực tiếp, cơ quan quản lý tài sản công đối với tài sản quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, người được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đối với tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều này xác định giá bán và tổ chức bán cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Điều 99. Thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng

1. Tài sản kết cấu hạ tầng được thanh lý trong các trường hợp sau:

a) Tài sản kết cấu hạ tầng bị hư hỏng không thể sử dụng hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả;

b) Phá dỡ tài sản kết cấu hạ tầng cũ để đầu tư xây dựng tài sản kết cấu hạ tầng mới;

c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch làm cho một phần hoặc toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng không sử dụng được vào mục đích ban đầu.

2. Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chuyên ngành quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng thuộc trung ương quản lý; 

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng thuộc địa phương quản lý.

3. Tài sản kết cấu hạ tầng được thanh lý theo hình thức phá dỡ, huỷ bỏ. Vật tư thu hồi từ thanh lý tài sản được giao cho đối tượng sử dụng hoặc bán theo các hình thức quy định tại khoản 3 Điều 49 Luật này.

Điều 100. Ghi giảm tài sản kết cấu hạ tầng

1. Tài sản kết cấu hạ tầng được xử lý theo hình thức ghi giảm tài sản trong các trường hợp sau đây:

a) Bị mất;

b) Bị hủy hoại do thiên tai, hỏa hoạn và các nguyên nhân bất khả kháng khác.

2. Việc xác định tài sản bị mất, bị hủy hoại phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm:

a) Báo cáo cấp có thẩm quyền tình trạng của tài sản bị mất, bị hủy hoại và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan;

b) Thực hiện ghi giảm tài sản và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

4. Trường hợp kết cấu hạ tầng bị mất, bị hủy hoại được doanh nghiệp bảo hiểm hoặc các tổ chức, cá nhân có liên quan bồi thường thiệt hại thì việc giao tài sản kết cấu hạ tầng hoặc sử dụng số tiền bồi thường để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thay thế được thực hiện theo quy định tại các Điều 79, 80, 81 và 82 Luật này.

Điều 101. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản kết cấu hạ tầng

Việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thực hiện theo quy định tại Điều 94 Luật này.

Chương V.

CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG CỦA DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC

Điều 102. Tài sản phục vụ hoạt động của dự án sử dụng vốn nhà nước

1. Tài sản phục vụ công tác quản lý dự án là tài sản được hình thành để phục vụ công tác quản lý của từng dự án.

2. Tài sản khác được trang bị trong quá trình thực hiện dự án.

Điều 103. Hình thành tài sản phục vụ hoạt động của dự án

1. Nguồn hình thành tài sản phục vụ hoạt động của dự án gồm:

a) Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật hoặc cho phép sử dụng nguồn kinh phí quản lý dự án để đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê tài sản phục vụ công tác quản lý của từng dự án;

b) Nhà nước cho phép sử dụng nguồn vốn của dự án để mua sắm tài sản quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật này.

2. Việc hình thành tài sản phục vụ công tác quản lý dự án thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật này. Việc giao tài sản, đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê tài sản phục vụ công tác quản lý dự án thực hiện theo quy định tại các Điều 34, 35, 36, 37 và 38 Luật này. 

3. Việc hình thành đối với tài sản quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật này thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, các quy định khác của pháp luật có liên quan và văn kiện dự án (nếu có).

Điều 104. Sử dụng tài sản phục vụ hoạt động của dự án

1. Việc sử dụng tài sản phục vụ công tác quản lý dự án thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật này.

2. Việc quản lý, sử dụng tài sản khác được trang bị trong quá trình thực hiện dự án được thực hiện theo mục tiêu của dự án và pháp luật có liên quan.

Điều 105. Xử lý tài sản phục vụ công tác quản lý dự án

1. Khi dự án kết thúc, Ban quản lý dự án có trách nhiệm:

a) Kiểm kê toàn bộ tài sản được giao để phục vụ công tác quản lý dự án, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp, báo cáo cơ quan chủ quản dự án, gửi cơ quan tài chính cùng cấp;

b) Thực hiện bảo quản tài sản trong thời gian chờ xử lý. 

2. Cơ quan quản lý tài sản công có trách nhiệm:

a) Lập phương án xử lý tài sản, trình cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này phê duyệt;

b) Tổ chức xử lý tài sản theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Hình thức xử lý tài sản:

a) Giao cho đối tượng sử dụng theo tiêu chuẩn, định mức;

b) Bán;

c) Thanh lý.

4. Thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản phục vụ công tác quản lý dự án:

a) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định phương án xử lý đối với tài sản của các dự án thuộc trung ương quản lý; quyết định giao tài sản của các dự án thuộc trung ương quản lý cho đối tượng sử dụng thuộc địa phương; quyết định giao tài sản của các dự án thuộc địa phương quản lý cho đối tượng sử dụng thuộc trung ương và đối tượng sử dụng thuộc địa phương khác;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phương án xử lý đối với tài sản của các dự án thuộc địa phương quản lý, trừ trường hợp giao tài sản của các dự án thuộc địa phương quản lý cho đối tượng sử dụng thuộc trung ương;

5. Quản lý số tiền thu được từ việc xử lý tài sản phục vụ công tác quản lý dự án:

a) Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản phục vụ công tác quản lý dự án được nộp vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan quản lý tài sản công làm chủ tài khoản;

b) Sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, số tiền còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 106. Xử lý tài sản khác được trang bị trong quá trình thực hiện dự án

1. Sau khi hoàn thành việc đầu tư, mua sắm, Ban quản lý dự án có trách nhiệm bàn giao tài sản cho các đối tượng thụ hưởng được xác định trong dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đưa vào khai thác, sử dụng theo mục tiêu dự án.

2. Trường hợp dự án không xác định cụ thể đối tượng thụ hưởng tài sản sau khi dự án kết thúc, việc xử lý đối với tài sản khác được trang bị trong quá trình thực hiện dự án thực hiện theo quy định tại Điều 105 Luật này.

Chương VI.

CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC, TÀI SẢN CÔNG TẠI CƠ QUAN DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC

Mục 1. CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG TẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Điều 107. Nguồn hình thành tài sản công tại doanh nghiệp nhà nước

1. Nhà nước giao vốn và tài sản cho doanh nghiệp.

2. Nhà nước cho phép sử dụng các nguồn tài chính của doanh nghiệp để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản.

Điều 108. Quản lý, sử dụng tài sản công tại doanh nghiệp nhà nước

1. Việc quản lý, sử dụng tài sản công đã được tính thành vốn giao cho doanh nghiệp và các tài sản được hình thành từ nguồn tài chính của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Riêng đối với xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức do Chính phủ ban hành.

2. Việc quản lý, sử dụng các loại tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý, không tính thành vốn giao cho doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Chương IV, Chương V, Chương VIII Luật này và pháp luật có liên quan.

Điều 109. Khai thác, xử lý tài sản công tại doanh nghiệp nhà nước

1. Việc khai thác, xử lý tài sản công đã được tính thành vốn giao cho doanh nghiệp và các tài sản được hình thành từ nguồn tài chính của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. 

2. Việc khai thác, xử lý các loại tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý, không tính thành vốn giao cho doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Chương IV, Chương V, Chương VIII Luật này và pháp luật có liên quan. Trường hợp Nhà nước cho phép sử dụng số tiền thu được từ khai thác, xử lý tài sản công được giao quản lý thì phải ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Mục 2. CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG TẠI CƠ QUAN DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC

Điều 110. Tài sản tại cơ quan dự trữ nhà nước

1. Tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan dự trữ nhà nước.

2. Hàng hóa, vật tư thuộc danh mục dự trữ quốc gia.

Điều 111. Quản lý, sử dụng tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan dự trữ nhà nước

1. Việc quản lý, sử dụng tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan dự trữ nhà nước thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật này.

2. Cơ quan dự trữ nhà nước được phép:

a) Sử dụng kho, bãi để bảo quản tài sản công có quyết định thu hồi hoặc quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước trong thời gian chờ xử lý;

b) Khai thác kho, bãi trong thời gian nhàn rỗi để tạo nguồn vốn bảo trì tài sản. Việc khai thác kho, bãi được thực hiện theo hình thức quy định tại khoản 4 Điều 40 Luật này và bảo đảm không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 112. Quản lý hàng hóa, vật tư thuộc danh mục dự trữ quốc gia

Việc quản lý hàng hóa, vật tư thuộc danh mục dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của Luật dự trữ quốc gia.

Chương VII.

CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, XỬ LÝ TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CỦA NHÀ NƯỚC

Điều 113. Tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước

1. Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật bao gồm:

a) Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu;

b) Vật chứng vụ án, một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự.

2. Tài sản không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, tài sản bị chôn giấu, chìm đắm, di sản không có người thừa kế được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước (gọi là tài sản vô chủ).

3. Tài sản do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước.

4. Tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.

5. Tài sản được đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, Hợp đồng xây dựng - chuyển giao và các hình thức hợp đồng khác được chuyển giao cho nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Điều 114. Thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản

1. Thẩm quyền quyết định tịch thu đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Thẩm quyền quyết định tịch thu đối với vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án thực hiện theo quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự và pháp luật về thi hành án dân sự.

3. Đối với tài sản vô chủ:

a) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật đối với tài sản vô chủ do cơ quan có thẩm quyền thuộc trung ương phát hiện, xử lý thông tin;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật đối với tài sản vô chủ do cơ quan có thẩm quyền thuộc địa phương phát hiện, xử lý thông tin.

4. Đối với tài sản do tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam, thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định theo đề nghị của Bộ, cơ quan trung ương đối với tài sản có giá trị lớn theo quy định của Chính phủ chuyển giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trừ các tài sản quy định tại điểm b, điểm c khoản này;

b) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định hoặc phân cấp quyết định đối với tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực quốc phòng;

c) Bộ trưởng Bộ Công an quyết định hoặc phân cấp quyết định đối với tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực an ninh;

d) Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp quyết định đối với các tài sản không thuộc phạm vi các điểm a, b và c khoản này chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương;

đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp quyết định đối với tài sản chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trừ các tài sản quy định tại điểm b, điểm c khoản này.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật đối với tài sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao cho nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.

6. Đối với tài sản được đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, Hợp đồng xây dựng - chuyển giao và các hình thức hợp đồng khác được chuyển giao cho nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật:

a) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước trong trường hợp cơ quan nhà nước thuộc trung ương ký Hợp đồng;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xác lập sở hữu nhà nước trong trường hợp cơ quan nhà nước thuộc địa phương ký Hợp đồng.

Điều 115. Thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản

1. Thủ tục quyết định tịch thu đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về tố tụng hình sự, pháp luật về thi hành án dân sự.

2. Chính phủ quy định thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với các tài sản quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 113 Luật này.

Điều 116. Hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước

1. Giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để quản lý, xử lý đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị đặc chủng và các tài sản khác liên quan đến quốc phòng, an ninh, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hoá, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm và các tài sản khác có yêu cầu quản lý đặc biệt của Nhà nước.

2. Giao cho đối tượng sử dụng theo tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với các tài sản sử dụng được làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, phương tiện vận tải, máy móc, trang thiết bị và phương tiện làm việc, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn.

3. Nộp vào ngân sách nhà nước đối với tiền Việt Nam, ngoại tệ.

4. Tiêu huỷ đối với tài sản không còn giá trị sử dụng hoặc buộc phải tiêu huỷ theo quy định của pháp luật.

5. Thực hiện bán đối với tài sản không thuộc phạm vi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này. Việc bán tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước được thực hiện công khai theo hình thức đấu giá; trừ các trường hợp được áp dụng hình thức bán trực tiếp như sau:

a) Tài sản là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng;

b) Tài sản có giá trị dưới 50 triệu đồng/01 lô tài sản.

Điều 117. Thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án xử lý đối với các tài sản là di tích lịch sử - văn hóa, cổ vật, bảo vật quốc gia.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt hoặc phân cấp phê duyệt phương án xử lý đối với các tài sản do cơ quan có thẩm quyền thuộc trung ương ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước, trừ tài sản quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc người được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp phê duyệt phương án xử lý đối với các tài sản do cơ quan có thẩm quyền thuộc địa phương ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước, trừ tài sản quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 118. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước

1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định tịch thu hoặc quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản, cơ quan, tổ chức, đơn vị đang quản lý tài sản có trách nhiệm chuyển giao tài sản cho cơ quan quản lý tài sản công cùng cấp.

2. Định kỳ, cơ quan quản lý tài sản công có trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản phát sinh trong kỳ theo các hình thức quy định tại Điều 116 Luật này, trình cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 117 Luật này phê duyệt.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định phê duyệt phương án xử lý của cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 117 Luật này, cơ quan quản lý tài sản công có trách nhiệm tổ chức xử lý tài sản theo quy định tại Điều 119 Luật này.

Điều 119. Tổ chức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước

1. Đối với tài sản có quyết định giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để quản lý, xử lý, cơ quan quản lý tài sản công tổ chức bàn giao tài sản cho cơ quan quản lý chuyên ngành theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 117 Luật này.

Sau khi tiếp nhận tài sản, cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện việc quản lý, xử lý tài sản được tiếp nhận theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Đối với tài sản có quyết định giao cho đối tượng sử dụng, cơ quan quản lý tài sản công tổ chức bàn giao tài sản cho người sử dụng theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 117 Luật này.

Đối tượng sử dụng tài sản thực hiện kế toán tăng tài sản và quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

3. Đối với tài sản là tiền Việt Nam, Kho bạc Nhà nước thực hiện kế toán nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đối với tài sản là ngoại tệ, cơ quan quản lý tài sản công nộp vào tài khoản ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng; Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm mua toàn bộ số ngoại tệ trên để chuyển nộp ngân sách nhà nước bằng đồng Việt Nam theo quy định.

4. Đối với tài sản có quyết định tiêu hủy, cơ quan quản lý tài sản công chủ trì, phối hợp với các cơ quan có chức năng thực hiện tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc tiêu hủy có ảnh hưởng đến môi trường thì phải có hướng dẫn và chứng kiến của cơ quan tài nguyên và môi trường.

Hình thức tiêu hủy thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật này.

5. Đối với tài sản có quyết định bán, cơ quan quản lý tài sản công tổ chức bán tài sản theo quy định tại Điều 49 Luật này.

Điều 120. Quản lý số tiền thu được từ việc xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước

1. Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước được nộp vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan quản lý tài sản công làm chủ tài khoản.

2. Sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, số tiền còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Chương VIII.

CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI, TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

Mục 1. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI

Điều 121. Quản lý, sử dụng đất đai

Việc quản lý, sử dụng đất đai thực hiện theo quy định của Luật đất đai và các quy định từ Điều 121 đến Điều 127 Luật này.

Điều 120. Nguồn lực tài chính từ đất đai

Nguồn lực tài chính từ đất đai bao gồm:

1. Tiền sử dụng đất;

2. Tiền thuê đất, thuê mặt nước;

3. Các khoản thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai;

4. Sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức hợp đồng BT;

5. Giá trị quyền sử dụng đất từ việc khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng.

Điều 123. Tiền sử dụng đất

1. Việc thu tiền sử dụng đất được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất;

b) Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang loại đất được giao đất có thu tiền sử dụng đất;

c) Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng đang sử dụng đất thuộc trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất.

2. Phương thức khai thác nguồn lực tài chính thông qua việc giao đất có thu tiền sử dụng đất:

a) Đấu giá quyền sử dụng đất;

b) Giao chỉ định.

3. Căn cứ tính tiền sử dụng đất:

a) Diện tích đất được giao, được chuyển mục đích sử dụng, được công nhận quyền sử dụng đất;

b) Mục đích sử dụng đất;

c) Giá đất tính thu tiền sử dụng đất;

4. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. 

5. Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất trong trường hợp giao chỉ định, giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về giá và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 124. Tiền thuê đất, thuê mặt nước

1. Việc thu tiền thuê đất, thuê mặt nước được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Nhà nước cho thuê đất, gồm đất trên bề mặt và phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất theo quy định của Luật đất đai;

b) Nhà nước cho thuê đất để xây dựng công trình trong lòng đất có mục đích kinh doanh mà công trình này không phải là phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất theo quy định của Luật đất đai;

c) Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng đang sử dụng đất thuộc trường hợp phải nộp tiền thuê đất;

d) Nhà nước gia hạn thời gian thuê đất cho các đối tượng đang thuê thuộc trường hợp phải nộp tiền thuê đất;

đ) Chuyển mục đích sử dụng đất sang hình thức Nhà nước cho thuê đất;

e) Nhà nước cho thuê mặt nước.

2. Phương thức khai thác nguồn lực tài chính thông qua việc cho thuê đất, thuê mặt nước:

a) Đấu giá quyền sử dụng đất;

b) Cho thuê chỉ định.

3. Căn cứ tính tiền thuê đất, thuê mặt nước:

a) Diện tích đất, mặt nước cho thuê;

b) Thời hạn cho thuê đất, thuê mặt nước;

c) Đơn giá thuê đất, thuê mặt nước đối với trường hợp thuê đất, thuê mặt nước trả tiền thuê hàng năm; đơn giá thuê đất, thuê mặt nước của thời hạn thuê đối với trường hợp thuê đất, thuê mặt nước trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê. Trường hợp đấu giá quyền thuê đất, thuê mặt nước thì đơn giá thuê là đơn giá trúng đấu giá;

d) Hình thức Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước trả tiền thuê hàng năm hoặc cho thuê đất, thuê mặt nước trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê.

4. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá quyền thuê đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. 

5. Việc xác định giá trị quyền thuê đất trong trường hợp cho thuê chỉ định, giá khởi điểm để đấu giá quyền thuê đất thực hiện theo quy định của pháp luật về giá và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 125. Các khoản thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai

1. Các khoản thuế liên quan đến đất đai bao gồm:

a) Thuế sử dụng đất nông nghiệp;

a) Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp;

a) Thuế thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

2. Các khoản phí, lệ phí liên quan đến đất đai bao gồm: 

a) Lệ phí trước bạ;

b) Lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản gắn liền với đất;

c) Các loại phí, lệ phí khác theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

3. Căn cứ thu, mức thu, thẩm quyền thu, trình tự thực hiện thu thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về phí, lệ phí.

Điều 126. Sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức hợp đồng BT

1. Nhà nước cho phép sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức hợp đồng BT.

2. Nguyên tắc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất: 

a) Giá trị dự án BT xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng;

b) Giá trị quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư xác định theo quy định tại Điều 123, Điều 124 Luật này;

c) Thực hiện thanh toán dự án BT bằng quỹ đất theo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán;

d) Thời điểm thanh toán dự án BT bằng quỹ đất là thời điểm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư. 

3. Quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư là đất được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế theo quy định của pháp luật về đất đai và được áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

4. Việc chuyển giao quỹ đất để thực hiện nghĩa vụ thanh toán của Nhà nước được thực hiện theo phương thức chuyển giao trực tiếp cho nhà đầu tư. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Điều 127. Khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng

1. Khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất ngoài phần diện tích phục vụ dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng công trình kết cấu hạ tầng nhằm tạo quỹ đất để tạo nguồn vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng.

2. Việc khai thác quỹ đất để tạo vốn được thực hiện theo một trong hai phương thức sau:

a) Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn;

b) Nhà nước đầu tư vốn và áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn.

3. Thẩm quyền phê duyệt dự án khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng thực hiện theo quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với dự án khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng thuộc trung ương quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đối với dự án khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng thuộc địa phương quản lý.

4. Việc khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng được áp dụng theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

5. Số tiền thu được từ khai thác quỹ đất được nộp vào tài khoản riêng tại Kho bạc nhà nước và được sử dụng theo thứ tự ưu tiên như sau:

a) Hoàn trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với quỹ đất để tạo vốn theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Chi trả các chi phí liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất để tạo vốn;

c) Hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Nộp ngân sách địa phương theo quy định.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 2. QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

Điều 128. Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên thiên nhiên quy định tại Luật này bao gồm:

1. Tài nguyên nước;

2. Tài nguyên khoáng sản;

3. Nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời;

4. Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên;

5. Tài nguyên thiên nhiên khác.

Điều 129. Quản lý tài nguyên thiên nhiên

Việc quản lý tài nguyên thiên nhiên thực hiện theo quy định của Luật khoáng sản, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật tài nguyên nước, Luật biển, các luật khác có liên quan và quy định tại các Điều từ 130 đến 134 Luật này.

Điều 130. Nguồn lực tài chính từ tài nguyên thiên nhiên

1. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên.

2. Thuế tài nguyên.

3. Phí, lệ phí trong quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Điều 131. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên

1. Nhà nước cấp quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên được thực hiện thông qua hình thức đấu giá, trừ trường hợp cấp quyền khai thác trong khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định là khu vực không đấu giá quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên.

2. Tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên phải nộp tiền khai thác tài nguyên thiên nhiên.

3. Hình thức đấu giá quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên bao gồm:

a) Đấu giá quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên ở khu vực chưa thăm dò tài nguyên thiên nhiên;

b) Đấu giá quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên ở khu vực đã có kết quả thăm dò tài nguyên thiên nhiên được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

4. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên được xác định căn cứ vào giá, trữ lượng, chất lượng tài nguyên thiên nhiên, loại hoặc nhóm tài nguyên thiên nhiên, điều kiện khai thác tài nguyên thiên nhiên.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 132. Thuế tài nguyên thiên nhiên

Thuế tài nguyên thiên nhiên thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

Điều 133. Phí, lệ phí trong quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên thiên nhiên

1. Các khoản phí, lệ phí trong quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên thiên nhiên bao gồm:

a) Phí bay qua vùng trời Việt Nam;

b) Phí bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

c) Phí thăm quan danh lam thắng cảnh;

d) Phí khai thác sử dụng nguồn nước;

đ) Phí khai thác, sử dụng tài liệu, dữ liệu về tài nguyên thiên nhiên;

e) Các loại phí, lệ phí khác.

2. Căn cứ thu, mức thu, thẩm quyền thu, trình tự thực hiện thu thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

Điều 134. Quản lý, sử dụng các khoản thu từ khai thác tài nguyên thiên nhiên

Việc quản lý, sử dụng các khoản thu từ khai thác tài nguyên thiên nhiên được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và pháp luật về ngân sách nhà nước.

Chương IX.

HỆ THỐNG THÔNG TIN VỀ TÀI SẢN CÔNG VÀ CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ TÀI SẢN CÔNG

Điều 135. Hệ thống thông tin về tài sản công

1. Hệ thống thông tin tài sản công được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu; theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế được công nhận tại Việt Nam.

2. Hệ thống thông tin tài sản công gồm các thành phần cơ bản sau đây:

a) Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tài sản công;

b) Hệ thống phần mềm hệ điều hành, phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng;

c) Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

Điều 136. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công

1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công được xây dựng thống nhất trong phạm vi cả nước; có chức năng tổng hợp số lượng, giá trị, cơ cấu phân bổ toàn bộ tài sản công của quốc gia.

2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công gồm các thành phần:

a) Cơ sở dữ liệu về tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;

c) Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng;

d) Cơ sở dữ liệu về tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước;

đ) Cơ sở dữ liệu về tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước;

e) Cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên thiên nhiên;

g) Cơ sở dữ liệu về các loại tài sản công khác.

3. Cơ sở dữ liệu về các loại tài sản công do các cơ quan, đơn vị xây dựng theo nhiệm vụ quản lý chuyên ngành phải được tổng hợp chung vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn việc trao đổi thông tin về tài sản công do các cơ quan, đơn vị quản lý chuyên ngành xây dựng để tổng hợp chung vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công;
b) Quy định nội dung, cấu trúc, kiểu thông tin cơ sở dữ liệu tài sản công thuộc phạm vi quy định tại khoản 2 Điều 139 Luật này.

Điều 137. Quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công

1. Thông tin trong cơ sở dữ liệu tài sản công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp thì có giá trị pháp lý như trong hồ sơ dạng giấy.

2. Cơ sở dữ liệu tài sản công là tài sản của Nhà nước phải được bảo đảm an ninh, an toàn chặt chẽ; nghiêm cấm mọi hành vi truy cập trái phép, phá hoại, làm sai lệch thông tin trong cơ sở dữ liệu tài sản công.

3. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu về thông tin, dữ liệu tài sản công được khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Điều 138. Sử dụng thông tin về tài sản công

1. Thông tin lưu giữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công được sử dụng để:

a) Thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Làm cơ sở cho việc lập dự toán, xét duyệt quyết toán, quyết định, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra việc giao đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, khoán kinh phí sử dụng tài sản công, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, khai thác, xử lý tài sản công.

2. Nghiêm cấm việc sử dụng số liệu về tài sản công trong cơ sở dữ liệu vào mục đích cá nhân mà không được phép của cơ quan, nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp cố tình vi phạm, người vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 139. Trách nhiệm xây dựng hệ thống thông tin về tài sản công

1. Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng hệ thống thông tin tài sản công, cơ sở dữ liệu về tài sản công; bảo đảm kinh phí vận hành, duy trì hệ thống thông tin về tài sản công, cơ sở dữ liệu về tài sản công.

2. Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài sản công và trực tiếp xây dựng cơ sở dữ liệu đối với các loại tài sản công sau đây:

a) Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;

b) Tài sản kết cấu hạ tầng;

c) Tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước;

d) Tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước;

đ) Tài nguyên thiên nhiên.

3. Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Cập nhật dữ liệu các loại tài sản công quy định tại các khoản 2 Điều này vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công;

b) Cung cấp dữ liệu tài sản công chuyên ngành cho Bộ Tài chính để tổng hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

Chương X.

DỊCH VỤ VỀ TÀI SẢN CÔNG

Điều 140. Nội dung dịch vụ về tài sản công

Nội dung dịch vụ về tài sản công gồm:

1. Cung cấp thông tin, dữ liệu về tài sản công;

2. Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư liên quan tới quản lý, sử dụng tài sản công;

3. Thẩm định giá tài sản công;

4. Đấu giá tài sản công;

5. Các dịch vụ khác về tài sản công.

Điều 141. Điều kiện của tổ chức, cá nhân được cung cấp dịch vụ về tài sản công

1. Điều kiện của tổ chức, cá nhân được cung cấp dịch vụ về tài sản công:

a) Đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có);

b) Thuộc danh sách các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện được tham gia cung cấp dịch vụ về tài sản, công khai trên Cổng thông tin điện tử về tài sản công.

2. Tổ chức, cá nhân có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này được cung cấp các dịch vụ quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 140 Luật này.

3. Cơ quan quản lý tài sản công có trách nhiệm thực hiện các dịch vụ công quy định tại khoản 1 Điều 140 Luật này.

Điều 142. Sử dụng dịch vụ về tài sản công

1. Đối tượng sử dụng tài sản công, đối tượng được giao quản lý tài sản công, cơ quan quản lý tài sản công khi thực hiện đầu tư, xây dựng, mua sắm, thuê, bảo trì, bảo dưỡng, góp vốn, cho thuê, liên doanh liên kết, bán, chuyển nhượng, thanh lý, tiêu hủy tài sản công được thuê các tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 141 của Luật này thực hiện. 

2. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thông tin, dữ liệu về tài sản công được đề nghị cơ quan quy định tại khoản 3 Điều 141 Luật này cung cấp theo quy định của pháp luật.

Chương XI.

XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ TÀI SẢN CÔNG

Điều 143. Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về tài sản công

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về tài sản công thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Người có hành vi vi phạm pháp luật về tài sản công mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.

Điều 144. Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về tài sản công khi thi hành công vụ trong lĩnh vực tài sản công

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về tài sản công khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao tài sản công, đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công, ra quyết định hành chính trong quản lý tài sản công;

b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về tài sản công hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài sản công, quyền và nghĩa vụ của đối tượng sử dụng tài sản công;

c) Vi phạm quy định về công khai thông tin; vi phạm quy định trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý tài sản công.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương XII.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 145. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

2. Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước số 09/2008/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 146. Quy định chi tiết

Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày     tháng 6 năm 2017.

Liên hệ dùng thử phần mềm