Hiện nay, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, thực trạng, tình hình diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội đối với công tác an ninh mạng. Nhiều quốc gia trên thế giới ban hành các văn bản luật về an ninh mạng, điển hình như: Nhật, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc… Riêng Mỹ, ngoài việc ban hành các đạo luật chung, Mỹ đã ban hành tới 06 đạo luật liên quan các vấn đề về an ninh mạng.
Do đó, Bộ Công an đang dự thảo Luật An ninh mạng nhằm bảo đảm công tác an ninh mạng của nước ta, đồng thời có sự phù hợp nhất định với thông lệ quốc tế và bảo đảm các điều kiện hội nhập quốc tế về an ninh mạng.
Biện pháp bảo vệ an ninh mạng
Dự thảo quy định, các biện pháp bảo vệ an ninh mạng bao gồm: Các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia theo pháp luật về an ninh quốc gia, biện pháp nghiệp vụ an ninh mạng, biện pháp tác chiến trên không gian mạng và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định nội dung, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và trách nhiệm áp dụng các biện pháp này.
5 hành vi bị nghiêm cấm
Dự thảo đề xuất các hành vi bị nghiêm cấm gồm: 1- Sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; 2- Đăng tải chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng; 3- Xâm nhập, chiếm đoạt trái phép thông tin, tài liệu; 4. Tấn công mạng; 5. Khủng bố mạng.
Tổ chức, cá nhân nào vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bảo vệ an ninh mạng
Dự thảo nêu rõ, xử lý thông tin kích động tụ tập đông người gây rối an ninh, trật tự trên không gian mạng; thông tin chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng như sau:
a- Yêu cầu chủ thể đăng tải thông tin gỡ bỏ bài viết;
b- Ngăn chặn, xóa bỏ thông tin;
c- Tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc rút giấp phép hoạt động của trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử đăng tải thông tin;
d- Điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cấp phép kinh doanh dịch vụ bảo đảm an ninh mạng
Dự thảo nêu rõ, giấy phép kinh doanh dịch vụ bảo đảm an ninh mạng được cấp khi người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ này phải có lý lịch rõ ràng và không thuộc một trong các trường hợp sau: Người chưa thành niên, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử; người đang bị tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề có liên quan.
Đồng thời, cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo đảm an ninh mạng phải đáp ứng tiêu chuẩn số lượng về đội ngũ nhân viên kỹ thuật có bằng đại học chuyên ngành hoặc chứng chỉ an ninh mạng, công nghệ thông tin, viễn thông; có mô tả về phương án kinh doanh dịch vụ bảo đảm an ninh mạng phù hợp với quy định của pháp luật; có hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất và công nghệ phù hợp với mô tả về phương án kinh doanh dịch vụ an ninh mạng.
Theo Báo Chính Phủ