Đây là thông tin Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời cử tri tại Hội nghị tiếp xúc giữa Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Đại biểu Quốc hội Phùng Xuân Nhạ với cử tri ĐH Quy Nhơn sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Trả lời những băn khoăn, trăn trở của cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐH Quy Nhơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ giải thích: “Mặc dù trong Luật Giáo dục ĐH và Điều lệ trường ĐH đều quy định bộ máy tổ chức của cơ sở giáo dục ĐH phải có Hội đồng trường nhưng thực tế số trường ĐH có Hội đồng trường rất ít và nếu có thì vai trò của Hội đồng trường rất mờ nhạt”. Vì vậy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Hội đồng trường là một trong những vấn đề hết sức quan trọng, có tính chất quyết định thành công của chủ trương tự chủ các trường ĐH tới đây.
Tự chủ ĐH là một xu hướng đã được thực hiện rất mạnh ở các nước và đang đẩy mạnh ở nước ta. Đây là một nhu cầu tự thân của giáo dục ĐH. Tự chủ ĐH để hướng tới tăng cường chất lượng, giải phóng các nguồn lực của nhà trường. Đây là nhu cầu hết sức chính đáng của các trường ĐH. Chính phủ rất quan tâm, ủng hộ và đã giao cho Bộ GD&ĐT chuẩn bị Nghị định về từ chủ ĐH và sẽ sớm ban hành. Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu công phu, lấy ý kiến tất cả các đơn vị trên toàn quốc.
Nội dung của Nghị định tự chủ ĐH có nhiều nhưng tập trung vào 3 vấn đề lớn: Thứ nhất là tự chủ về học thuật (tự chủ mở ngành, tự chủ quyết định ngành nghề đào tạo). Đây có thể là một quyết định mở “nút thắt” cho hoạt động của các trường ĐH.
Với xu hướng này Bộ GD&ĐT phân cấp rất mạnh cho các trường. Bộ GD&ĐT tập trung vào quản lý nhà nước, tăng cường giám sát...Đây thực sự là một bước chuyển lớn.
Thứ hai là tự chủ về bộ máy tổ chức nhân sự. Các đồng chí lãnh đạo nhà trường phải được tự chủ xây dựng đề án vị trí việc làm, quyết định trả lương, tuyển dụng,...
Thứ ba là tự chủ về tài chính. Các trường được quyền tự quyết các nguồn thu hợp pháp của mình. Như vậy, với nội dung, tinh thần của Nghị định tự chủ ĐH tới đây sẽ giải phóng năng lực của các trường ĐH.
Tuy nhiên, các thầy cô luôn nhớ tự chủ ĐH bao giờ cũng gắn với trách nhiệm xã hội, vì đây là quyền lợi của người học, quyền lợi của xã hội. Mức độ tự chủ gắn mới mức độ giải trình.
Với 3 nội dung lớn của Nghị định tự chủ ĐH thì vai trò của Hội đồng trường vô cùng quan trọng. Hội đồng trường bao gồm đại diện của các bên trong nhà trường, thầy cô giáo, học sinh-sinh viên, cán bộ quản lý và đại diện bên ngoài nhà trường, làm sao giám sát hoạt động của nhà trường và quyết định những vấn đề lớn chiến lược, nhân sự, tài chính...Ban Giám hiệu nhà trường có nhiệm vụ thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng trường và báo cáo, giải trình với Hội đồng trường về hoạt động chỉ đạo thực hiện của mình.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng trường đại học thành lập được Hội đồng trường còn vừa phải, khoảng hơn 1/2 số trường; nhiều trường vẫn khó khăn trong thành lập Hội đồng trường. trong đó có một lý do rất lớn đó là vai trò, thực quyền của Hội đồng trường còn rất mờ nhạt, đây là một vấn đề lớn.
Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn gửi các trường thực hiện quyền của Hội đồng trường và Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm tra giám sát. Và chỉ khi Hội đồng trường hoạt động một cách thực sự, đúng vai trò, thực quyền thì mới bảo đảmđược dân chủ trong các trường.