Tăng cường ứng dụng CNTT trong phổ biến giáo dục pháp luật

Bộ Tư pháp đang dự thảo Đề án đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 – 2021.

Bộ Tư pháp cho biết, nhờ thực hiện tốt Chương trình, các Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật đã thúc đẩy quá trình đưa Luật phổ biến, giáo dục pháp luật vào cuộc sống. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng bám sát công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, với nhu cầu cuộc sống, với các vấn đề dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được đổi mới với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được quan tâm hơn như khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật; Cổng thông tin/Trang thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp; đối thoại, giải đáp vướng mắc pháp luật trực tuyến; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn trực tuyến; tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật; sử dụng mạng xã hội qua ứng dụng facebook, fanpage... Nhờ vậy đã giúp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuận lợi, hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo ra phương thức làm việc mới; giúp người dân dễ dàng, thuận lợi trong tiếp cận với thông tin về pháp luật; khai thác, sử dụng pháp luật để tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thực hiện và bảo vệ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp; tạo sức lan tỏa lớn đến đông đảo người dân trong xã hội và sự đồng thuận trong xã hội trong thực thi chính sách, pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng đã bộc lộ tồn tại, hạn chế như một số bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, tổ chức chậm đổi mới trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật chậm được đổi mới, còn dàn trải, chưa sát với đặc điểm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực và nhu cầu thông tin về pháp luật của người dân, doanh nghiệp...

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn chậm; chưa tận dụng triệt để thành tựu của công nghệ thông tin, kỹ thuật số để kết nối, khai thác, chia sẻ thông tin và khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên môi trường mạng, gây lãng phí nguồn lực đầu tư cho công tác này.

Bộ Tư pháp cho biết, những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông cùng với nhiều ngành công nghệ cao khác đã và đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mang tính tất yếu khách quan. Triển khai thực hiện tốt sẽ giúp tích hợp, kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin pháp luật để phổ biến rộng rãi trong toàn xã hội; đảm bảo sự tương tác, thiết lập mạng xã hội-chính quyền để người dân tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng, tổ chức thực thi pháp luật; thiết thực giảm tải chi phí nguồn lực đầu tư của nhà nước trong công tác này.

Vì vậy, Bộ Tư pháp dự thảo Đề án đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 – 2021 với mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử để kết nối, chia sẻ rộng rãi thông tin, tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần đổi mới toàn diện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến căn bản trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân.

Cụ thể, phấn đấu 90% trở lên các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành trên môi trường mạng; phát triển một số mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật trực tuyến. Phấn đấu 100% các cơ quan quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành đều xây dựng, vận hành Trang thông tin điện tử hoặc xây dựng chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật trên Trang thông tin điện tử; thường xuyên cập nhật, chia sẻ, hướng dẫn, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành trên môi trường mạng; 100% cơ quan, đơn vị xây dựng, vận hành chuyên trang, chuyên mục đối thoại, giải đáp, tư vấn pháp luật trực tuyến liên quan đến lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý nhà nước.

Liên hệ dùng thử phần mềm