Theo đó, các thủ tục hành chính được triển khai trên cổng như: nhóm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về “Quản lý thuốc bảo vệ thực vật”, nhóm dịch vụ công “Công nhận thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước được phép lưu hành tại Việt Nam”, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 “Kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản xuất khẩu đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm”.
Về triển khai thực hiện một cửa quốc gia, bộ phận một cửa tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện việc cập nhật, công bố, niêm yết công khai các thủ tục hành chính do Bộ công bố theo thẩm quyền giải quyết của đơn vị.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các cục, vụ tiếp tục hướng dẫn qua mạng điện tử toàn quốc đối với các thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật, quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Mục tiêu của Bộ NN&PTNT là hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp của ngành được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4 và năm 2020 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 5.
Đến nay, Bộ NN&PTNT đã giải quyết các vướng mắc về quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu; sửa đổi các quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu; chuyển đổi phương thức kiểm tra, kiểm dịch theo hướng giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Cụ thể, đối với kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu đã chuyển sang phương thức kiểm tra trước trong quá trình sản xuất và cấp Giấy chứng nhận ngay khi doanh nghiệp có yêu cầu, rút ngắn thời gian từ 5-7 ngày xuống còn 1 ngày (8 giờ làm việc) cho 1 lô hàng. Thực tế, nhiều lô hàng được cấp giấy chứng nhận trong 2-3 giờ, tiết kiệm cho doanh nghiệp từ 15-20% chi phí.
Bộ NN&PTNT khẩn trương phối hợp với Bộ KH&CN sớm ban hành danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành của ngành nông nghiệp theo hướng kiểm tra ít nhất, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi các quy định về tiếp nhận công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục. Chẳng hạn như, thừa nhận kết quả đánh giá phù hợp của nước ngoài đối với hàng hóa có tiêu chuẩn, quy chuẩn bằng hoặc cao hơn Việt Nam; không cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với việc kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm tại nước xuất khẩu và tăng cường khâu hậu kiểm....
"Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường đối thoại, tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trong công tác quản lý nhà nước của Bộ, để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện quy trình thực thi công vụ của các cơ quan chuyên môn", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho hay.